Tập trung các giải pháp xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại

Cập nhật: 13-09-2014 | 08:23:07

Chiều qua (12-9), tại Trung tâm Hội nghị và Sự kiện Lucky Square (TP.Thủ Dầu Một), UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Tham dự hội nghị có ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố trong tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 Đô thị tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương Ảnh: T.BÌNH

Công nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ đạo

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 là nhằm xây dựng Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại; một trong những đô thị phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, có tác động mạnh đến các tỉnh lân cận và vùng xung quanh; đưa Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020; công nghiệp phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tỷ lệ nội địa cao, ít thâm dụng lao động. Hiện tại, Bình Dương có cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ hiện đại; du lịch phát triển theo hướng đa dạng loại hình dịch vụ, gắn với đô thị xanh, văn minh, hiện đại; có nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ sinh học cao và chuyển giao công nghệ sinh học…

 Sản xuất lốp ô tô tại Công ty Casumina (TX.Tân Uyên) Ảnh: T.BÌNH

Phân kỳ giai đoạn, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nêu rất cụ thể, đó là: Điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2011- 2015 từ 14,9%/năm xuống còn 13,5%/năm; điều chỉnh tỷ trọng các ngành dịch vụ từ 30% lên 38%; khu vực công nghiệp - xây dựng điều chỉnh từ 62,9% xuống 59%, khu vực nông lâm nghiệp điều chỉnh từ 3,4% xuống 3%; kim ngạch xuất khẩu điều chỉnh từ 14 tỷ USD lên 23,55 tỷ USD. Giai đoạn 2016-2020, vẫn giữ nguyên tốc độ tăng trưởng kinh tế chung là 13% nhưng có sự điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng: Các ngành khu vực công nghiệp xây dựng tiếp tục giảm tỷ trọng, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm các ngành khu vực nông lâm nghiệp; điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu từ 25 tỷ USD lên 68,95 tỷ USD…

Bên cạnh đó, Quy hoạch bổ sung thời kỳ 2021-2025 nhấn mạnh, Bình Dương là một đô thị công nghiệp, dịch vụ phát triển, nông nghiệp đô thị bền vững; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,6%/năm; cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 49,03% - 49% và 1,97%; kim ngạch xuất khẩu đạt 186 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt 264 triệu đồng/người; tỷ lệ đô thị hóa đạt 83 - 85%…

Nỗ lực thực hiện

Ông Mai Hùng Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 rất sát thực tế và có tính khả thi. Dẫn chứng, ông Dũng cho biết quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt từ năm 2007. Sau 5 năm dưới sự lãnh đạo, điều hành và thực hiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành, các cấp, nhiều chỉ tiêu của quy hoạch đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với sự phát triển của địa phương. Vì vậy, ngày 11- 6-2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 893/QĐ-TTg điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Theo đó, điều chỉnh quan điểm mục tiêu phát triển, những giải pháp định hướng quan trọng để đạt mục tiêu; những giải pháp thực hiện quy hoạch… đều đồng bộ và sát thực tế, phù hợp với sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh LÊ THANH CUNG:

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 rất quan trọng. Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, cần tập trung vào các giải pháp thực hiện. Theo đó, cần phân kỳ công tác quy hoạch giai đoạn 2016- 2020, xúc tiến nhanh chương trình phát triển đô thị Bình Dương theo hướng phát triển mạnh tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Về nguồn vốn, bố trí nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn công tư, vốn BOT, vốn FDI, phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc công trình để giải quyết các công trình bức xúc trên địa bàn tỉnh... Bên cạnh đó, các ngành, các cấp, địa phương cần quán triệt, triển khai thực hiện cho tốt để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu mà quy hoạch đã đề ra.

Để đạt được những mục tiêu trên trong điều chỉnh quy hoạch, ông Mai Hùng Dũng còn cho rằng quyết định cũng chỉ ra nhiều giải pháp, trong đó nhiều giải pháp tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Cụ thể, Bình Dương cần tập trung phát triển một số ngành công nghiệp xuất khẩu như chế biến gỗ, dệt may, da giày, cơ khí, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, gốm sứ...; đồng thời phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển ngành dịch vụ như tài chính ngân hàng, dịch vụ thương mại; cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải…

Để phát triển nhanh và bền vững, vốn đầu tư là điều kiện quan trọng và cần thiết. Theo điều chỉnh quy hoạch về nhu cầu đầu tư, thời kỳ năm 2011- 2015 đầu tư vào công nghiệp vẫn là quan trọng nhất; tỉnh dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư là 383.588 tỷ đồng. Thời kỳ 2016-2020, tiếp tục đầu tư vào phát triển công nghiệp; dự báo tổng nhu cầu vốn cần 470.171 tỷ đồng; thời kỳ 2021-2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư cần 642.906 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, để đạt mục tiêu đề ra tỉnh cần phải tính toán nhu cầu đầu tư để có biện pháp tìm nguồn vốn đầu tư. Ông Dũng cho biết hình thức huy động vốn đầu tư là huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong và ngoài tỉnh, mọi thành phần kinh tế tạo ra vốn đầu tư… Vấn đề về vốn nhìn chung rất khả thi.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, đề nghị các sở, ngành phải rà soát triển khai quy hoạch ngành phù hợp với tổng thể điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được phê duyệt; các huyện, thị, thành phố cần phải có bước điều chỉnh quy hoạch của địa phương. Riêng 2 huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên phải xây dựng quy hoạch mới cho phù hợp với điều chỉnh quy hoạch của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương rà soát lại các chương trình, kế hoạch đến năm 2015 để đánh giá những kết quả đạt được và chưa đạt được, từ đó có giải pháp điều chỉnh trong những năm tiếp theo nhằm thực hiện đạt hiệu quả cao hơn.

 

 

 T.MINH - M.DUY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên