Những ngày qua, do khí hậu thay đổi, nắng nóng và đầu mùa mưa nên nhiều trẻ bị nhiễm bệnh. Vì thế, cán bộ y tế ở Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Bình Dương đã tập trung tận tình chăm sóc, điều trị cho trẻ...
Đến BV vào giờ giữa trưa, bác sĩ Vương Huỳnh Diễm Trang, Phó khoa Nhi, tuy vất vả bận bịu với công việc thăm khám cho trẻ, vẫn nhiệt tình tiếp chúng tôi: “Tháng 6 năm nay bệnh tay- chân - miệng trẻ em gia tăng đột biến, mọi năm, vào tháng này bệnh đã giảm. Hiện mỗi ngày có 30 - 35 bệnh nhân tay - chân - miệng, chiếm từ 60 - 70% số giường của khoa Nhi. Các bệnh khác sốt xuất huyết, siêu vi cũng nhiều... Vào mùa dịch, cả nhân viên, lẫn thân nhân bệnh nhân đều căng thẳng. Dù mệt, chúng tôi vẫn cố gắng, không để sai sót xảy ra...”.
Tại phòng bệnh, bé Trần Ngọc Châu, 4 tuổi rưỡi vẫn chơi tung tăng, các mụn nhọt trên đôi bàn tay đã giảm. Mẹ bé, em Trần Thị Ngọc Bích, 32 tuổi ở Tân Uyên cho biết: “Em làm nghề uốn tóc, thấy bé bị đau miệng, không ăn được, tay nổi phồng nhiều mụn nhọt, em đưa bé vào BV từ hôm chủ nhật đến nay. Được đội ngũ cán bộ y tế ở đây chăm sóc rất tận tình. Nay bé đã khỏe, có thể ăn cháo loãng. Chiều nay thì bé ra viện”.
Em Nguyễn Văn Thủy, 27 tuổi, quê Thanh Hóa, đang ở trọ làm công nhân ở An Phú, TX.Thuận An cho biết: “Bé bị sốt cao, em đưa bé vào viện từ tối qua. Bé đã được các bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu ổn định rồi cho ra giường điều trị rất nhiệt tình. Em rất yên tâm”.
Thời gian qua, BVĐK tỉnh đã áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào công tác khám điều trị cho các bệnh nhân nhỏ tuổi. Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho biết: Từ 2 năm nay, khoa đã có phòng cấp cứu ,kịp thời điều trị bệnh nhi đạt hiệu quả. Đặc biệt khoa đã tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật: Truyền Gama globulin, là loại thuốc mới, điều trị bệnh tay - chân - miệng hiệu quả. Do hiện nay bệnh tay - chân - miệng đã chuyển sang týp mới, độc lực cao hơn, lại không có thuốc chủng ngừa, dễ chuyển nặng, khả năng lây lan mạnh. Bên cạnh đó, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết nặng, khoa đã áp dụng kỹ thuật mới là đo huyết áp động mạch xâm lấn, theo dõi liên tục, kịp thời xử lý các tình huống, giảm bệnh nặng và tử vong.
Bên cạnh đó, hơn 1 năm nay khoa cũng đã ứng dụng kỹ thuật cao: Sunfaitait điều trị cho bé sơ sinh thiếu tháng. Đặc biệt, cũng hơn một năm nay, khoa đã cố gắng thực hiện thành công kỹ thuật mới có hiệu quả rất cao là đặt catheter tĩnh mạch. Đây là kỹ thuật đặt 1 ống sond: có thể sử dụng từ 7 - 14 ngày, để nuôi dưỡng và tiêm thuốc cho bé non yếu. Hiện kỹ thuật này chỉ được thực hiện ở các BV tuyến Trung ương. Chỉ một số ít BV tỉnh thực hiện được kỹ thuật này.
Đặc biệt, khoa Nhi đã có Phòng khám Kangaroo dành cho trẻ thiếu tháng, trẻ yếu. Trẻ ra đời được khoa điều trị cho ổn, rồi giao cho mẹ “ấp” tiếp bằng cách cho bé vào cái túi cho mẹ đeo, ấp (giống chuột túi Nam Mỹ, nên có tên là Kangaroo).
Nhờ tập trung toàn tâm, toàn lực, ứng dụng kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong điều trị bệnh nên dù các bệnh nhi nhập viện cao nhất: 6 tháng đầu năm 2011, sốt xuất huyết: 1.179 cas (tăng 102 cas so cùng kỳ), tử vong đã giảm. Bệnh tay - chân - miệng đang vào mùa dịch, nhưng cũng chưa có tử vong... Khoa Nhi, BVĐK đã khép kín quy trình khám, điều trị cho trẻ lúc bị bệnh, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe cho thế hệ trẻ thơ Bình Dương.
BẢO ANH