Tập trung nâng cao chỉ số PCI: Triển khai quyết liệt các giải pháp

Cập nhật: 05-04-2014 | 00:00:00

Bình Dương tuột hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng có giải pháp gì để củng cố niềm tin của doanh nghiệp (DN)?

Sản xuất đồ gia dụng tại Công ty Media, KCN VSIP I. Ảnh: TR.BÌNH

Minh chứng từ thực tế

Bình Dương là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa cao, là địa phương thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI) rất mạnh mẽ. So sánh số liệu 2 tháng đầu năm 2014, Bình Dương đã thu hút 22 dự án đầu tư mới và 18 dự án tăng vốn với tổng vốn hơn 720,4 triệu USD. Trong khi đó, cả nước thu hút FDI chỉ 830,9 triệu USD với 122 dự án. Rõ ràng, Bình Dương vẫn là địa phương có một môi trường rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương cho biết: “Bình Dương bị tuột hạng PCI là điều đáng phải suy nghĩ. Nhưng tôi vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư tại Bình Dương. Phạm vi khảo sát PCI quá hẹp và chỉ tập trung vào những DN nhỏ, một số có suy nghĩ tiêu cực về môi trường kinh doanh. Đơn cử như Công ty Sáng Ban Mai và các DN trong Hiệp hội Cơ điện chưa bao giờ được khảo sát. UBND tỉnh cần phát huy lợi thế của Trung tâm Hành chính tập trung hiện đại để công khai, minh bạch, thuận tiện hơn nữa cho DN. Đồng thời tỉnh cần chỉ đạo cho các ngành như công an, phòng cháy chữa cháy, thuế, môi trường… trong việc kiểm tra DN nên đặt nặng vấn đế nhắc nhở, giúp DN khắc phục khó khăn, tránh gây phiền hà!”.

Trao đổi với đại diện một số DN đang hoạt động trên địa bàn, hầu hết họ đều đánh giá cao môi trường sản xuất, kinh doanh (SXKD) của Bình Dương và tin tưởng chiều hướng sẽ còn thuận lợi hơn.

Ngành may mặc xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi trong năm 2014. Trong ảnh: Hoàn tất sản phẩm thời trang xuất khẩu tại doanh nghiệp May Quốc tế ở An Điền, Bến Cát. Ảnh: B.ANH

Đưa thông tin đến gần hơn với DN

Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan: “Có đến 78,64% DN trong cả nước được khảo sát cho biết cần có quan hệ để tiếp cận thông tin cấp tỉnh, tăng hơn 17% so với năm 2009, mức tăng cao nhất trong 6 năm qua. Đây là điểm đáng lo ngại bởi tính minh bạch là một trong hai chỉ số thành phần có trọng số cao nhất (20%) trong chỉ số PCI”. Và đây là các con số báo động cấp quốc gia: 40% DN trả hoa hồng khi mong muốn có được hợp đồng từ các cơ quan Nhà nước; 21% DN trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh (ĐKKD); 18% DN tiến hành “bôi trơn” để xúc tiến các thủ tục; 70% DN FDI chi trả chi phí “bôi trơn” để thông quan hàng hóa nhanh hơn.

Tại Bình Dương, tuy chưa có con số chính xác về các tỷ lệ “không minh bạch” này, song qua việc PCI sụt giảm, trên các chỉ tiêu chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch và chi phí không chính thức cũng đã thể hiện sự không hài lòng của DN về các vấn đề này. Bà Trương Thị T.L, DN hoạt động SXKD ở Bình Dương hơn 20 năm nay than phiền: “Các ngành hỗ trợ DN rất nhiều trong việc hoàn thuế, thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai… song vẫn còn nhiều cá nhân gây nhũng nhiễu mà tôi không tiện nói rõ tên họ, sợ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa”. Một số DN cũng có rất nhiều điều muốn nói, nhưng họ không tiện mở lời khi chúng tôi tiếp xúc.

Trong thời điểm hiện nay, UBND tỉnh đã có những giải pháp gì để “lội ngược dòng” nâng cao PCI 2014, củng cố niềm tin DN, đặc biệt là ở những tiêu chí đang giảm điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung cho biết: “Ban chỉ đạo PCI gồm các ngành, địa phương đang thực hiện giải pháp đào tạo lại và chuẩn hóa, trong sạch hóa đội ngũ cán bộ. Trọng tâm là bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử... để cán bộ, công chức nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình hỗ trợ DN giải quyết khó khăn, vướng mắc. Các ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, giám sát chặt chẽ cán bộ, công chức, nhất là ở các khâu, các bộ phận dễ xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm”.

Để nâng điểm ở tiêu chí tính minh bạch, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đưa ra giải pháp đưa thông tin đến gần DN hơn: “Các ngành chức năng tăng cường hơn nữa việc công bố các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp; quy hoạch, kế hoạch của các ngành, địa phương; các luật, nghị định và văn bản quy phạm pháp luật đối với DN trên các website chuyên ngành. Khuyến khích các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập trang thông tin theo hướng hiện đại, chất lượng, công khai các thủ tục hành chính, giúp DN dễ dàng tiếp cận, truy cập, nhằm tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư”.

* Giám đốc Sở Công Thương VÕ VĂN CƯ: Tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN

Thực hiện Nghị quyết số 01/ NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Bộ Công Thương, cũng là để nâng cao chỉ số PCI trong năm 2014, Sở Công Thương tiếp tục tổ chức nắm tình hình hoạt động SXKD của các DN, các hiệp hội ngành hàng, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, hội nhập kinh tế quốc tế, khuyến công…

* Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư MAI HÙNG DŨNG: Thực hiện khứ hồi thông tin giữa các ngành, các cấp và DN

Trong các chỉ tiêu bị giảm điểm, có DN phiền hà về thủ tục ĐKKD. Thực ra, thời gian cấp phép của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bình Dương chỉ gói gọn trong 5 - 7 ngày. Chỉ riêng các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải chờ cấp cơ sở khảo sát, thẩm định mới kéo dài thời gian. Năm 2014, Sở KH&ĐT nghiên cứu cắt giảm các đầu mục hồ sơ không cần thiết trong các thủ tục và tập trung thực hiện tốt việc ĐKKD qua mạng cho người dân. Đặc biệt, chúng tôi cũng tham vấn ý kiến các DN, tạo điều kiện cho DN tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, đối với những vấn đề, nội dung liên quan đến sự phát triển của DN, cũng như sự hài lòng của DN đối với cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém.

* Chủ tịch UBND thị xã Dĩ An LÊ VĂN HOÀNG: Thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông hiện đại

Từ năm 1999, Dĩ An đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa liên thông, sau đó là một cửa liên thông hiện đại. Qua thăm dò, tỷ lệ hài lòng hiện rất cao (97,5%). Việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông vừa tăng cường quản lý nhân viên, phục vụ nhân dân tốt hơn, vừa khứ hồi thông tin từ phía DN, người dân. Riêng cá nhân tôi cũng sẵn sàng tiếp dân và làm thùng thư góp ý trước phòng làm việc để lắng nghe và giải quyết thấu đáo các ý kiến phản hồi của DN, người dân.

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên