Tập trung tháo gỡ khó khăn, nỗ lực đạt các mục tiêu kế hoạch

Cập nhật: 19-06-2020 | 09:26:08

Giải pháp nào để giữ vững nguồn thu ngân sách, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, thúc đẩy đầu tư công, hạn chế tối đa các tác động do dịch bệnh gây ra… là những nội dung chính được thảo luận tại phiên họp lần thứ 23 của UBND tỉnh tổ chức hôm qua (18-6).

Ngành thuế đang nỗ lực thu nhằm đáp ứng nhu cầu thu - chi ngân sách tỉnh năm 2020. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục kê khai thuế tại Chi cục Thuế TP.Thủ Dầu Một

Khó khăn từ đại dịch

Trong 6 tháng đầu năm 2020, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nhưng kết quả thực hiện và tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp.

Đơn cử, tại địa bàn TX.Bến Cát, tổng ngân sách kế hoạch đầu tư công được giao năm 2020 trên 547 tỷ đồng, nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 10%. Dự kiến đến giữa tháng 7, tỷ lệ sẽ đạt khoảng 20%. Về các dự án trọng điểm, trên địa bàn thị xã có 2 công trình gồm Mỹ Phước- Tân Vạn và Mỹ Phước - Bàu Bàng nhưng đến nay vẫn chưa “đi đến đâu”. Nguyên nhân được lãnh đạo TX.Bến Cát chỉ ra do công tác giải phóng mặt bằng chậm, khiến tiến độ thực hiện dự án chậm.

Tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thu - chi ngân sách, dự kiến tổng thu ngân sách không đạt so dự toán HĐND tỉnh giao. Theo đó, dự kiến tổng thu từ kinh tế - xã hội cả năm ước thực hiện 55.800 tỷ đồng, đạt 90% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 90% so với năm 2019. Chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 ước thực hiện 6.300 tỷ đồng, đạt 28% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách đang được đẩy mạnh nhằm phấn đấu đạt 100% dự toán chi ngân sách được giao năm 2020.

13 dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, cầu và đường kết nối Bình Dương - Tây Ninh, đường Thủ Biên - Đất Cuốc, cầu Bạch Đằng 2, trục thoát nước Bưng Biệp - suối Cát, đường Mười Muộn - Tân Thành… tiến độ đều chậm. “Hầu hết đang trong tình trạng dang dở vì Covid-19, tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra, một số dự án triển khai thực hiện phải cần đến công tác cưỡng chế. Vì vậy, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung”, ông Nguyễn Chí Đức, Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh nêu tình hình.

Ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở ghi nhận tình hình, cập nhật thông tin thực tế, kết quả thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2020 đang rất chậm. Theo đó, tổng vốn kế hoạch đầu tư công trên 13.467 tỷ đồng, nhưng tổng giá trị giải ngân đến cuối tháng 5 chỉ đạt trên 1.986 tỷ đồng, đạt 14,7% kế hoạch năm; ước đến cuối tháng 6 trên 4.083 tỷ đồng, đạt 30,3% kế hoạch.

Báo cáo của Sở Tài chính trong 6 tháng đầu năm 2020 cũng cho thấy, tình hình thu ngân sách của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Tổng thu ước thực hiện 29.300 tỷ đồng, đạt 47% dự toán Chính phủ giao và dự toán HĐND tỉnh thông qua, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. “Trong bối cảnh khó khăn từ dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động cùng với chính sách gia hạn nộp thuế… Nếu loại trừ một số khoản thu tăng đột biến, một số khoản thu nộp trong năm 2020 nhưng là nộp cho số thuế phát sinh trong năm 2019, thì các khoản thu, nhất là thu từ các khu vực doanh nghiệp đều đạt khá thấp so với dự toán và thực hiện so với cùng kỳ năm 2019. Do đó, sẽ ảnh hưởng đến công tác thu chi của tỉnh trong thời gian tới”, ông Hà Văn Út, Giám đốc Sở Tài chính đánh giá.

Nỗ lực hoàn thành kế hoạch

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và khả năng khiến các công trình, kế hoạch mục tiêu tài chính có thể bị phá vỡ, bên cạnh việc chỉ ra các nguyên nhân, lãnh đạo các địa phương, sở, ngành cũng đang tích cực tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Ông Phú Hữu Minh, cho biết có rất nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Nhưng trước hết phải kể đến trình tự, thủ tục thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo trình tự mất nhiều thời gian. Có trường hợp sau khi phê duyệt đơn giá, phương án bồi thường nhưng đến khi chi trả phải điều chỉnh lại đơn giá mới. Nguyên nhân gây khó khăn nhất hiện nay đó là công tác vận động người dân đồng thuận với chủ trương, đơn giá đền bù. “Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó vẫn còn trường hợp nhiều chủ đầu tư chưa chủ động xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện phù hợp với thời gian dự án được phê duyệt. Từ đó xác định nhu cầu sử dụng vốn không sát với tiến độ triển khai. Một số dự án quy mô lớn liên quan đến nhiều địa phương lân cận như TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Tây Ninh công tác phối hợp cũng không bảo đảm đúng tiến độ”, ông Minh nói.

Trước khả năng phải điều chỉnh giảm vốn hoặc điều chỉnh tăng vốn lớn cho các công trình đầu tư cũng như tiến độ thực hiện hoàn thành kế hoạch, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, ngành sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các văn bản chỉ đạo của tỉnh liên quan đến công tác đầu tư công, đẩy mạnh đền bù giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân hết số vốn đầu tư công được giao trong kế hoạch năm 2020.

Về phía Sở Tài chính, ông Hà Văn Út cũng cho biết đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tăng cường các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế, cưỡng chế nợ thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu nhằm khai thác nguồn thu góp phần vào việc tăng thu ngân sách. “Thực hiện ưu tiên bố trí đủ vốn cho các công trình trọng điểm cũng như thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi. Bảo đảm cân đối ngân sách địa phương, hoàn thành dự toán thu chi ngân sách Nhà nước năm 2020, góp phần hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020”, ông Út nói. 

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Khả năng hụt thu ngân sách do tác động từ dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 là rất cao. Vì vậy, ngành tài chính cần tập trung thực hiện hoàn thành 5 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, cần triển khai các giải pháp tích cực hơn, nắm được tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp, theo dõi chặt chẽ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế, đồng thời giải quyết các chính sách hỗ trợ đúng theo nghị quyết của Chính phủ, tránh gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Về chi ngân sách cũng cần thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản không cần thiết, tránh lãng phí.
Vấn đề đặt ra tại sao công tác thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư chậm trong 6 tháng đầu năm 2020, thậm chí tiến độ giải ngân ngày càng thấp. Vì vậy, người đứng đầu đơn vị, các thủ trưởng, cơ quan, chủ đầu tư phải rà soát, xác định lại trách nhiệm của mình. Tất cả cần thể hiện quyết tâm lớn để thực hiện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2015-2020.

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên