Tập trung thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên

Cập nhật: 24-10-2015 | 08:29:38

Trong 5 năm qua, Bình Dương thu hút vốn đầu tư đạt nhiều kết quả tốt; từng bước chọn lọc và tập trung vào lĩnh vực địa phương ưu tiên như các ngành có công nghệ sản xuất cao, công nghiệp phụ trợ, các dự án phát triển đô thị và dịch vụ chất lượng cao. Trong giai đoạn 2015- 2020, Bình Dương sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên, qua đó tạo động lực để đẩy nhanh quá trình phát triển, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

 Thu hút nhiều dự án lớn

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Bình Dương đã thu hút được 12.373 doanh nghiệp (DN) trong nước đăng ký mới và bổ sung vốn với tổng số vốn đăng ký là 78.783 tỷ đồng, nâng tổng số DN trong nước đến nay trên địa bàn tỉnh lên 19.638 DN với tổng vốn đăng ký là 146.119 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài của Bình Dương đạt cao hơn nhiều so với kế hoạch. Trong nhiệm kỳ Bình Dương đã thu hút được 491 dự án mới và 690 dự án bổ sung vốn với tổng vốn 7,9 tỷ USD (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra là 5 tỷ USD), nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài đến nay trên địa bàn tỉnh lên 2.546 dự án với tổng vốn đầu tư là 21,5 tỷ USD, trở thành 1 trong 5 địa phương của cả nước thu hút hơn 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, Bình Dương đã thu hút một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Tokyu, Tập đoàn AEON, Tập đoàn Maruzen Foods Corporation...

Trong 5 năm tới, Bình Dương tiếp tục tập trung thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ… Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH KWANG YANG (KIMCO) Việt Nam (Khu công nghiệp Đại Đăng). Ảnh: PHƯƠNG LÊ

5 năm qua, Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, thu hút các ngành có hàm lượng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, thân thiện với môi trường… nhằm từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư của Bình Dương như ngành cơ khí (chế tạo và chính xác), điện tử, hóa dược- dược phẩm, các sản phẩm từ cao su thiên nhiên, công nghiệp phụ trợ, chế biến nông sản và thực phẩm. Trong đó, ngành cơ khí chú trọng sản xuất các máy móc và thiết bị chuyên dùng hoàn thiện phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến gỗ, giấy, lương thực - thực phẩm, sản xuất các cụm chi tiết, phụ tùng, linh kiện cho ngành sản xuất ô tô... Bình Dương cũng phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành cơ khí, góp phần thúc đẩy sản xuất máy móc, thiết bị; phát triển mảng sản xuất cơ khí cho công nghiệp phụ trợ của các ngành công nghiệp khác như dệt may, da giày... Đối với ngành điện - điện tử, Bình Dương đã thu hút nhiều dự án lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử, điện tử chuyên dùng, sản phẩm điện tử gia dụng.

Bình Dương cũng đã thu hút được các dự án lớn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh. Điển hình như Công ty TNHH NPC Toda đầu tư 30 triệu USD vào Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II A để sản xuất sản phẩm nhựa các loại với quy mô 16.889 tấn/năm; Chi nhánh Công ty TNHH Ojitex Việt Nam đầu tư 30 triệu USD vào Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore II A để sản xuất thùng và hộp carton sóng với quy mô 67.560.000m2/năm... Đặc biệt là dự án chuỗi liên hợp hóa sợi - dệt nhuộm của Công ty TNHH Far Eastern Polytex Việt Nam với vốn đầu tư 274,2 triệu USD vào Khu công nghiệp Bàu Bàng. Đây là dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành dệt, may của cả nước.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 5 năm qua môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện ngày càng tốt hơn và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế như công nghiệp điện, điện tử, cơ khí, dược phẩm, hóa chất, thương mại - dịch vụ... được nhiều nhà đầu tư quan tâm; số lượt đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến Bình Dương tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng nhiều so với các năm trước.

Thu hút đầu tư các lĩnh vực ưu tiên

Những năm qua, Bình Dương đã huy động hiệu quả nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế tham gia vào quá trình đầu tư hạ tầng đô thị, Thành phố mới Bình Dương; đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh, một số dự án nhà ở hiện đại cao cấp. Tỉnh cũng đã đầu tư hạ tầng giáo dục, thương mại, đường giao thông kết nối đô thị hiện hữu và đô thị mới nhằm tạo động lực hình thành đô thị trung tâm của tỉnh.

Đối với chương trình phát triển dịch vụ chất lượng cao, Bình Dương đã triển khai thực hiện đồng bộ, thu hút mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hệ thống siêu thị, bưu chính viễn thông, hải quan, thuế... đã có sự phát triển khá đồng bộ và đáp ứng tốt yêu cầu công nghiệp hóa và đô thị hóa của địa phương. Theo đó, trong 5 năm qua, kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại được chú trọng đầu tư, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại. Cụ thể, các cụm công trình dịch vụ - thương mại trọng điểm như sân golf Phú Mỹ, khu Gouco Land, Trung tâm thương mại Aeon Mall Bình Dương canary, Lotte Mart... đã được khánh thành và đưa vào hoạt động. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có 7 trung tâm thương mại, 11 siêu thị, 100 chợ đáp ứng nhu cầu mua sắm của DN và người dân trong và ngoài tỉnh.

Những thành tựu Bình Dương đạt được trong 5 năm qua về phát triển đô thị và dịch vụ chất lượng cao đã góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vươn lên tầm cao mới, đồng thời góp phần để Bình Dương hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2020. Trong giai đoạn 2015-2020, Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư các lĩnh vực tỉnh ưu tiên; trong đó chú trọng thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, các DN nước ngoài có trình độ kỹ thuật và công nghệ sản xuất hiện đại. Bình Dương cũng quan tâm phát triển ngành công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm nhiên liệu; nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, cùng với chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Với việc quan tâm phát triển nhanh các ngành dịch vụ chất lượng cao, Bình Dương sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và phát triển đô thị. Ngoài ra, Bình Dương cũng sẽ tiếp tục tạo mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thời gian tới trong vận động thu hút đầu tư, Bình Dương sẽ hạn chế thu hút mới các dự án công nghiệp gia công sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu, tiêu hao nhiều năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường; tập trung thu hút mạnh các tập đoàn kinh tế lớn, các DN sử dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ... Kết quả thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư vào những ngành công nghiệp mà tỉnh ưu tiên sẽ tạo động lực để Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp lớn, xứng tầm quốc gia và khu vực vào năm 2020.

 

PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên