Tết ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Vui tươi, ý nghĩa

Cập nhật: 24-02-2015 | 08:02:36

Ngoài đón tết của dân tộc mình, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) ở Bình Dương đã cùng vui đón tết cổ truyền của dân tộc. Và tết đến, ĐBDTTS ở Bình Dương lại ấm lòng khi được Đảng, Nhà nước chăm lo...

Người Sán Chay thổi kèn đón tết tươi vui

Phần lễ long trọng

“Làng Chăm đạo Hồi” là cái tên người dân xung quanh ưu ái gọi cho vùng đất nơi người Chăm chọn dừng chân tại Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Nhờ các chính sách đầu tư thỏa đáng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là của tỉnh, đời sống ĐBDTTS Chăm đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, phải kể đến sự vươn lên làm giàu của chính người Chăm.

Không những phát triển kinh tế, người Chăm còn lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc để “hòa nhập” nhưng không “hòa tan”. Ông Kho Sanh, Phó giáo cả cho biết, đầu năm mới, người Chăm trong làng thường đến thánh đường để nghe giảng đạo lý, đọc kinh Coran, cầu nguyện đấng Alah. Sau đó, các tín hữu đến khu vực vòi nước bên trái thánh đường tẩy uế những cái xui, cái xấu của năm cũ và rước cái mới, cái tốt lành của năm mới. Ngày mùng 2 tết là ngày dành riêng cho các chức sắc ăn tết tại nhà. Qua ngày thứ ba trở đi, cho đến ngày thứ 7 hay thứ 9 thì đến lượt mọi người tổ chức ăn tết, lần lượt từ nhà này sang nhà khác.

Đối với người Sán Chay tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, mùng 6 tết hàng năm, họ quây quần bên nhau để vui xuân, đón tết. Họ tổ chức phần lễ trang nghiêm và phần hội sôi nổi. Phần lễ có các nghi thức rước còn với quãng đường 300m từ miếu Thổ Công (trong làng) đến nơi diễn ra lễ hội. Trước khi rước còn, người lớn tuổi trong làng, nam thanh nữ tú làm lễ cầu nguyện một mùa màng bội thu, năm mới nhiều may mắn.

Ông La Đức Tài, người Sán Chay tâm sự: “Do sống xa quê hương nên chúng tôi luôn mong muốn con cháu biết, hiểu về phong tục tập quán của dân tộc mình. Lễ hội hàng năm như “những cơn mưa dầm” thấm từ từ vào tâm trí con, cháu mình. Nhiều cháu sau khi tham gia lễ hội đã tự ý thức tìm hiểu và cùng ông bà, bố mẹ lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Người Khmer sống tập trung đông nhất tại xã An Bình, huyện Phú Giáo cũng đón Tết Nguyên đán 6 ngày. Ba ngày đầu của năm mới (tức mùng 1, 2, 3), mọi người cùng sắm sửa lễ vật, ăn mặc tươm tất đến chùa cúng ông bà tổ tiên, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Ngoài ra, chùa cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, giáo dục ý thức và trách nhiệm cộng đồng cho các phật tử. Ở xã An Bình chưa có chùa riêng cho người Khmer nên họ xuống Sóc Trăng đi lễ chùa, hoặc qua chùa Khmer ở Bình Phước dâng lễ. Ai có nhiều dâng lễ nhiều, có ít dâng ít để cầu mong mọi điều an lành, may mắn đến các thành viên trong gia đình.

Hội vui, sum vầy

ĐBDTTS ở Bình Dương không chỉ đón Tết Nguyên đán ý nghĩa bởi nghi lễ trang nghiêm, gửi gắm hy vọng một năm may mắn, mà còn chung phần hội đầy màu sắc tươi vui. ĐBDTTS Sán Chay, sau khi rước còn, con cháu trong dòng tộc và nhân dân xã Tam Lập cùng tham gia phần hội với bóng đá mini, kéo co, ném còn, văn nghệ.

Ông Tài nói thêm: “Mọi năm, lễ hội được tổ chức quy mô, chúng tôi mời thêm người Khmer ở An Bình, hay thanh niên các xã lân cận tham dự. Năm nay, phần hội chỉ gói gọn cho người dân trong xã vui chơi vì ít nhân lực. Lý do, con cháu người Sán Chay tết này rủ nhau về Thái Nguyên đón tết hơn một nửa nhân khẩu”. Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Lập, lễ hội của người Sán Chay được tổ chức thường niên, tính đến nay đã hơn 10 năm. Với nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của chính người Sán Chay, UBND xã cũng thống nhất, hỗ trợ để họ tổ chức thành công lễ hội. Trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian độc đáo như bi sắt, kéo co, ném còn… Những trò chơi đó mang giá trị dân gian cần được gìn giữ, do đó UBND sẽ xem xét khôi phục không chỉ cho người Sán Chay mà cho thanh niên trong xã tập luyện, vui chơi.

Các nghi lễ kết thúc, người Chăm tại xã Minh Hòa bắt đầu phần hội bằng việc bày biện, ăn uống đủ loại bánh trái, hoa quả tùy thích. Trong dịp tết, bạn bè, hàng xóm ở xa có thể đến chung vui một cách thoải mái. Người Chăm theo đạo Hồi có những nguyên tắc riêng như không uống rượu, ca hát, nhảy múa ngày thường nhưng ngày tết có thể cho con cháu ca hát, vui chơi. Còn người Khmer, ngày tết họ xúng xính trong những bộ quần áo đẹp, đủ màu sắc đi chúc tết nhau. Người Khmer ăn tết từ mùng 1 đến mùng 6 tùy theo hoàn cảnh gia đình ăn tết lớn, hay nhỏ.

Ông Ngưu Bư, người Khmer bộc bạch, cả năm làm việc quần quật, ai cũng trông mong những ngày tết được vui vẻ, thoải mái. Tuy nhiên, trước khi ra đường, ông bà, cha mẹ đều dặn dò con cháu đón tết an toàn không vi phạm pháp luật. Nhiều năm nay, con cháu trong các gia đình người Khmer đều ý thức chấp hành tốt không vi phạm tệ nạn xã hội.

Tìm hiểu về việc đón Tết Nguyên đán của ĐBDTTS mới thấy đời sống vật chất, tinh thần của họ khởi sắc. Đặc biệt, thông qua cái tết người ĐBDTTS đã thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương, tạo nên sự gắn kết cộng đồng đầy tính nhân văn.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết
Tags
Khmer

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên