Tết với đồng bào Chăm

Cập nhật: 15-02-2018 | 17:14:18

Mỗi độ tết đến, xuân về, khi mai vàng khoe sắc thì người Chăm ở Bình Dương cũng rộn ràng không khí đón xuân. Trong những ngày tết, bà con người Chăm cũng làm bánh, diện những bộ trang phục đẹp nhất, dọn dẹp nhà cửa và đi thăm họ hàng, bạn bè.

 Chuẩn bị tết

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2018, đến với Làng Chăm ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, từ những ngôi nhà trên trục đường chính tới các lối nhỏ, ai ai cũng dễ dàng nhìn thấy ngôi nhà của bà con người Chăm đang được chủ nhân dọn dẹp, trang hoàng tươm tất hơn. Nhiều gia đình còn chuẩn bị gạo, nếp, trứng gà để chuẩn bị làm bánh ba lỗ, bánh bông lan đón khách. Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả Làng Chăm cho biết: “Đến Tết Nguyên đán thì người Chăm cũng ăn uống, vui chơi và thăm hỏi người thân, bạn bè như người Kinh. Tuy đây không phải là tết, lễ chính của bà con người Chăm, nhưng hòa vào không khí chung của dân tộc, giờ người Chăm lại có thêm một cái tết nữa”.

 Người Chăm họp mặt trong những ngày tết

Trong những ngày tết, ngoài ăn uống, vui chơi, người Chăm vẫn không quên việc giáo dục con cháu, ôn lại một năm đã đi qua với những việc làm được, chưa được để năm tới phấn đấu hơn nữa. Theo ông Kho Sanh, hiện nay, ngoài làm kinh tế tại địa phương, rất nhiều con cháu người Chăm rời làng đến làm công nhân tại các công ty trong tỉnh. Dịp tết, các cháu được nghỉ trở về ăn tết sum họp cùng gia đình. Thông qua những buổi họp mặt, gia đình nhắc nhở thêm để con cháu cố gắng phấn đấu làm việc tốt, sống có ích cho xã hội.

Niềm vui xuân mới

Bàn xong chuyện đón Tết cổ truyền, chúng tôi tìm hiểu xem cuộc sống của người Chăm ở đây. Sau 2 năm trở lại, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự thay đổi của vùng đất này. Dọc theo tuyến đường chính được bê tông hóa, đã mọc thêm nhiều ngôi nhà khang trang, sung túc. Hầu như nhà nào cũng có xe máy, tivi, một số nhà còn có cả ô tô… Theo UBND xã Minh Hòa, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay 115 hộ với 435 nhân khẩu tại Làng Chăm đều có nhà ở kiên cố, tỷ lệ hộ nghèo giảm (còn 2 hộ).

 Ngoài học tiếng Việt, con cháu người Chăm được học tiếng Chăm để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

 

Toàn tỉnh hiện có trên 140 hộ người Chăm với khoảng 500 nhân khẩu, phần lớn sống tại xã Minh Hòa (huyện Dầu Tiếng) và phường Bình An, phường Dĩ An (TX.Dĩ An). Cũng như người Chăm ở Minh Hòa, người Chăm ở TX.Dĩ An cũng tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Để đạt được kết quả đó, Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương  đã hỗ trợ cho người Chăm vay vốn sản xuất, 100% hộ được sử dụng nước sạch, 100% hộ có điện kéo về tận nhà. Ông Kho Sanh tâm sự trong hạnh phúc, trước đây cuộc sống của một số bà con còn khó khăn, nay đã ổn định hơn nhiều. Nhà nào cũng có cái ăn, cái mặc. Đặc biệt, người Chăm đã ý thức hơn trong việc cho con, cháu được học hành đến nơi đến chốn. Trước đây, do trường học xa nên các cháu chỉ học hết cấp I, nay có xe đưa rước đã có 8 cháu đang học cấp II. Ông Kho Sanh cũng phấn khởi, sang năm 2018, có thêm nhiều cháu nữa lên cấp II. Các cháu là niềm tự hào của cả làng. Các cháu sẽ trở thành những công dân có tri thức, có ích cho xã hội.

Qua câu chuyện của người Chăm đón Tết cổ truyền có thể thấy Tết Nguyên đán không chỉ dành riêng cho người Kinh mà là tết của tất cả các dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước. Trong những ngày giáp tết, ngoài không khí chuẩn bị đón tết của đồng bào, thì ở đây chính quyền địa phương cùng các đơn vị trên địa bàn còn tổ chức tặng quà tết nhằm giúp bà con đồng bào Chăm có một cái tết vui hơn, ấm cúng hơn. 

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên