Thăng trầm bánh tráng Phú An!

Cập nhật: 17-12-2011 | 00:00:00

Làng nghề bánh tráng Phú An (Bến Cát) có từ rất lâu đời, nổi tiếng xa gần. Tuy nhiên, hiện nay người dân ở đây đang dần bỏ nghề gia truyền của cha ông từ bao đời nay vì thu nhập thấp. Đây cũng là một thực trạng đáng buồn vì không chỉ mai một một làng nghề mà còn mất đi một nét văn hóa đặc sắc của địa phương.

Khác với không khí nhộn nhịp của những năm trước, làng bánh tráng Phú An những tháng giáp tết này đìu hiu vì chỉ có lèo tèo khoảng chục hộ còn tráng bánh cầm chừng, phần lớn là những người lớn tuổi vì không có công việc gì để làm.

 Anh Nguyễn Thanh Răng đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng xưởng tráng bánh bằng máy

Bà Lê Thị Hợi (82 tuổi, ở ấp Bến Giảng), một trong những người làm nghề tráng bánh lâu năm nhất ở đây tâm sự, trước đây xung quanh nhà bà ai cũng tráng bánh nhưng bây giờ chỉ còn mỗi mình nhà bà phơi vài liếp bánh trong khoảnh sân chật chội. Thay vì chộn rộn chuẩn bị vì phải tráng nhiều gấp đôi, gấp ba ngày thường thì bây giờ nhà bà cũng chỉ tráng khoảng 500 bánh/ngày, giá bán 250.000 đồng. Trừ đi chi phí củi lửa, hồ bột chỉ lời có 50.000 đồng. Bà nói: “Nghề bánh tráng hồi nào giờ chỉ lấy công làm lời nhưng trước đây củi có sẵn, bột có sẵn vì nhà nhà đều trồng mì còn bây giờ từ bột đến củi cái gì cũng phải mua, làm rất cực mà lại không có lời nên chẳng còn mấy ai mặn mà với nghề này nữa”. Cũng theo bà Hợi, sở dĩ trước đây nhà nhà tráng bánh vì không có nghề gì để làm, còn bây giờ lớp trẻ đi làm công ty, xí nghiệp chứ đâu có chịu làm cái nghề cực mà ít tiền này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây ở cả 5 ấp của xã Phú An có hơn 100 hộ làm nghề tráng bánh. Trước đây mọi người vẫn gọi “Làng bánh tráng Phú An” để chỉ một làng nghề nổi tiếng xa gần nhưng nay cụm từ này xem ra không còn phù hợp vì số hộ làm nghề này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Anh Nguyễn Thanh Răng (ấp Bến Giảng), người đã có 15 năm trong nghề giao bột cho các lò bánh tráng ở đây cho biết 2 năm về trước, ngày thường anh giao bột cho 80 lò nhưng hiện nay chỉ còn hơn chục lò nên anh cũng không còn thu nhập bao nhiêu với nghề giao bột nữa. Theo anh Răng, nguyên nhân người dân ở đây dần bỏ nghề tráng bánh vì làm nghề này hiện nay không có lời mà có khi còn lỗ vốn. Không còn sống được với nghề giao bột, anh Răng đã quyết định đầu tư 700 triệu đồng để xây dựng xưởng làm bánh tráng bằng máy. Xưởng tráng bánh của anh sử dụng 9 nhân công, công suất máy tráng khoảng 400kg bánh/ngày. Ở Phú An hiện có 2 xưởng tráng bánh bằng máy, với cách làm này cho năng suất cao hơn nhiều. Tuy nhiên, mọi người vẫn cho rằng bánh tráng làm bằng máy ăn không ngon bằng cách làm thủ công từ bao đời nay của người dân ở đây.

Nghề làm bánh tráng ở Phú An đã có từ rất lâu đời nên những người thợ ở đây có rất nhiều kinh nghiệm trong việc làm bột - khâu quan trọng để có được chiếc bánh vừa trắng, vừa dẻo, vừa thơm. Chợt nghĩ, làng bánh tráng Phú An nếu phát triển sẽ có hướng kết hợp du lịch làng nghề. Song, trước thực trạng người dân ở đây đang bỏ nghề cũng là một điều đáng buồn vì không chỉ mất đi một nghề truyền thống mà còn mất đi nét văn hóa đặc trưng được truyền từ bao đời nay ở địa phương.

ĐỨC LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên