Thành lập công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp: Cần đổi mới phương thức tiếp cận

Cập nhật: 25-05-2020 | 07:54:21

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 789 doanh nghiệp (DN) có từ 25 lao động trở lên chưa thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) với 118.443 công nhân lao động (CNLĐ), trong đó có 135 DN có 100 lao động trở lên. Yêu cầu đặt ra, để thành lập được CĐCS trong các DN cần phải đổi mới phương thức tiếp cận và có phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với từng loại hình DN.

Chăm lo tốt cho quyền, lợi ích hợp pháp cho CNLĐ chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để tập hợp CNLĐ vào tổ chức công đoàn. Trong ảnh: Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tặng quà cho CNLĐ bị tai nạn lao động

 Vượt chỉ tiêu

Xác định công tác phát triển đoàn viên (ĐV), thành lập CĐCS là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nhằm tập hợp người lao động (NLĐ) vào tổ chức và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, những năm qua các cấp công đoàn trong tỉnh không ngừng đổi mới nội dung và phương thức vận động, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển ĐV, thành lập CĐCS. Nhờ vậy, công tác phát triển ĐV, thành lập CĐCS luôn hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu hàng năm được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) giao. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 1.750 CĐCS với trên 305.000 đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ). Chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn từng bước được củng cố, nâng cao, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN, đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết hàng năm LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khảo sát tình hình DN chưa thành lập CĐCS thuộc địa bàn phân cấp quản lý làm cơ sở giao chỉ tiêu phát triển ĐV và thành lập CĐCS. Qua đó, các cấp công đoàn chủ động xây dựng kế hoạch phát triển ĐV, thành lập CĐCS của từng đơn vị. Bên cạnh việc thành lập CĐCS theo phương pháp trực tiếp đến DN để tuyên truyền, vận động công nhân gia nhập công đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở còn đa dạng các hình thức vận động, tập hợp công nhân gia nhập công đoàn thông qua việc hướng dẫn CNLĐ thành lập ban vận động, tiếp cận và vận động công nhân ngoài phạm vi DN. Qua đó, từng bước nâng tính tự giác của CNLĐ trong việc tìm hiểu và tham gia tổ chức công đoàn; đồng thời chỉ đạo các cấp công đoàn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với nhu cầu, lợi ích của CNLĐ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn tại DN, nhất là trong việc tham gia xây dựng quan hệ lao động tại DN, từ đó tạo được sự tin tưởng của cả NLĐ và người sử dụng lao động...

Đổi mới cách thức

Tuy đã có nhiều nỗ lực, vượt chỉ tiêu được giao, nhưng việc thành lập CĐCS trong các DN cũng gặp không ít khó khăn. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 789 DN có từ 25 lao động trở lên chưa thành lập CĐCS với 118.443 CNLĐ, trong đó có 135 DN có 100 lao động. Lý giải cho việc nhiều DN chưa thành lập tổ chức công đoàn, bà Trương Thị Bích Hạnh cho rằng việc thành lập CĐCS ở DN trên địa bàn tỉnh gặp một số khó khăn là do số lượng DN và CNLĐ trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, trong khi số lượng về biên chế cán bộ công đoàn giảm. Việc này gây ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, vận động phát triển ĐV, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh. Nhiều chủ DN chưa hiểu hoặc hiểu chưa đúng vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong DN. Vì vậy, một sốchủ DN còn né tránh, chưa tạo điều kiện cho việc thành lập CĐCS trong DN. Bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn khác như cơ sở dữ liệu về DN chưa được cơ quan chức năng thống kê, tổng hợp đầy đủ; kỹ năng, phương pháp vận động của một số cán bộ công đoàn chuyên trách chậm đổi mới, chưa quyết liệt; quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý các vi phạm về quyền của tổ chức công đoàn tại DN chưa cụ thể, rõ ràng; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các DN vi phạm chưa được thường xuyên…

Theo bà Trương Thị Bích Hạnh, để thành lập được CĐCS trong các DN cần có sự quyết tâm, đổi mới phương thức tiếp cận và có phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với từng loại hình DN. Tới đây, LĐLĐ tỉnh sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn tỉnh Bình Dương trong tình hình mới”; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác phát triển ĐVCĐ và phương pháp thành lập CĐCS; đổi mới phương thức tập hợp, đa dạng hóa phương pháp tiếp cận NLĐ, vận động ĐV, NLĐ phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, nhất là khi có thêm tổ chức của NLĐ ra đời; nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS khu vực DN và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục NLĐ; tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của NLĐ, xem đây là những nhiệm vụ cốt lõi trong thu hút, tập hợp NLĐ.

Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 3.658 CĐCS, với trên 785.400 ĐVCĐ/846.297 CNLĐ trong các đơn vị, DN có tổ chức công đoàn, đạt tỷ lệ gần 93%; trong đó có 2.898 CĐCS trong các DN, chiếm trên 79% tổng số CĐCS toàn tỉnh; ĐVCĐ trong khu vực DN chiếm gần 95%.

THU THẢO

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên