Thành phố mới Bình Dương - Nền tảng cho phát triển - Bài 1

Cập nhật: 16-08-2017 | 10:44:57

Bài 1:Xây dựng hạ tầng mới

Theo nhiều chuyên gia, một quốc gia khi xây dựng một thành phố thường phải cần từ 30 - 50 năm, bởi xây dựng thành phố là xây dựng cho cả một thế hệ mai sau, xây dựng cho tương lai. Thành phố mới Bình Dương có quy mô 1.000 ha, nằm tại vị trí trung tâm của Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ và Đô thị rộng 4.196 ha. Đây chính là “bộ não và trái tim” của tỉnh và là trung tâm của thành phố Bình Dương trong tương lai. Nếu xem các khu công nghiệp (KCN) là đòn bẩy giúp Bình Dương phát triển trong thời gian qua thì Thành phố mới Bình Dương sẽ là nền tảng, là điểm nhấn để tỉnh nhà đột phá toàn diện trong giai đoạn mới.

Thành phố mới Bình Dương được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo nền tảng cho tỉnh nhà phát triển Ảnh: XUÂN THI

Hiện nay, giai đoạn đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) làm chủ đầu tư đã cơ bản hoàn thành. Phát triển các KCN tốt, tạo hạ tầng mới, tạo việc làm cho người dân, đồng thời thực hiện tái định cư gắn liền, kết nối với các KCN xung quanh như KCN Mỹ Phước, KCN Bàu Bàng… là một trong những mục tiêu của Bình Dương khi xây dựng thành phố mới.

Hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Thành phố mới Bình Dương hiện có 6 KCN, gồm Sóng Thần III, Việt Nam - Singapore (VISIP) II, Đồng An II, Kim Huy, Đại Đăng và Phú Tân. Đặc biệt, các KCN VISIP II và VSIP II-A đã thu hút đầu tư lấp đầy 100%; là KCN chủ lực, đóng góp quan trọng vào sự phát triển công nghiệp của tỉnh.

KCN VSIP II và II-A được thành lập năm 2006-2008 với diện tích 2.045 ha, trong đó 1.345 ha đất công nghiệp và 700 ha phát triển đô thị. Với vị thế của một thương hiệu KCN hàng đầu, hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, các KCN này tiếp tục khẳng định sự thành công trong thu hút đầu tư. Nhiều công ty, tập đoàn lớn đã lựa chọn VSIP II và II-A mở rộng là địa điểm để đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các tập đoàn, công ty tập trung đầu tư vào những ngành có hàm lượng công nghệ cao và khả năng cạnh tranh lớn như linh kiện điện tử, hàng tiêu dùng, cơ khí chính xác…

 Ngay từ khi thành lập, phương châm hoạt động của VSIP được xác định là không thu hút đầu tư bằng mọi giá. KCN VSIP từ chối các dự án gây ô nhiễm môi trường, mà khi đi vào hoạt động sẽ thải ra chất thải rắn hoặc chất khó xử lý. Bên cạnh đó, khi xây dựng nhà máy tại đây, VSIP đòi hỏi các nhà đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo vệ môi trường. Hiện các công ty đầu tư vào đây đều có hệ thống xử lý nước thải riêng trước khi xả thải vào hệ thống của KCN. Ngoài ra, VSIP có hệ thống xử lý chất thải hiện đại và luôn được theo dõi, bảo trì thường xuyên.

Ngay từ năm 2010, Công ty Liên doanh TNHH VSIP đã hoàn tất báo cáo đánh giá tác động môi trường cho KCN VSIP II, VSIP II mở rộng; đồng thời tuân thủ tốt và đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cơ quan có chức năng phê duyệt. Công ty cũng thực hiện đầy đủ chương trình quản lý và giám sát môi trường; lập kế hoạch và thực hiện chương trình giám sát chất lượng nước thải sau xử lý cục bộ của từng nhà máy thành viên trong KCN. Nhà máy xử lý nước thải của KCN VSIP II đã xây dựng hoàn chỉnh và đang vận hành trạm xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 với công suất 6.000m3 /ngày đêm. Ngoài ra, thực hiện mô hình KCN xanh, hiện nay 30% diện tích trong KCN VSIP phục vụ cho trồng cây xanh. Đối với hệ thống giao thông công cộng trong nội bộ KCN VSIP cũng được thiết kế xây dựng dựa trên tiêu chí giảm thiểu ách tắc giao thông - một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường…

Bên cạnh KCN VSIP II, các KCN Kim Huy, Đồng An hiện đã lấp đầy khoảng 70% diện tích; các KCN Sóng Thần III, Đại Đăng lấp đầy khoảng 50%; riêng KCN Phú Tân lấp đầy khoảng 30%. Trong Thành phố mới Bình Dương có 1 KCN phát triển theo hướng chất lượng cao là KCN Mepletree quy mô 75 ha. KCN này đã được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, chủ yếu phát triển theo hướng dịch vụ công nghiệp, thu hút các ngành nghề không gây ô nhiễm.

Ông Kitagaki Asushi, Tổng Giám đốc Công ty Omron (KCN VSIP II) chia sẻ: “Tôi nhận thấy môi trường đầu tư của Bình Dương rất tốt. Hạ tầng KCN VSIP II được đầu tư hiện đại, tạo thuận lợi cho chúng tôi đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bình Dương không giống như đặc thù của Nhật Bản là thường xuyên xảy ra động đất, thiên tai, do đó công ty sẽ gắn bó với tỉnh Bình Dương lâu dài. Tôi rất tin tưởng vào sự phát triển thành công của công ty tại Bình Dương”.

Đến các KCN trong Thành phố mới Bình Dương, nhiều người sẽ cảm nhận được không khí thoáng mát, những hàng cây rợp bóng được trồng ven những con đường nhựa rộng thênh thang, sạch sẽ. Bên cạnh đó, trên mỗi đoạn đường vào KCN, ngoài việc có biển chỉ dẫn đều có người của KCN hướng dẫn, chỉ đường cho những ai có nhu cầu vào KCN. Đặc biệt, hạ tầng của các KCN trong Thành phố mới Bình Dương được kết nối với các KCN xung quanh như Mỹ Phước, Bàu Bàng, Nam Tân Uyên, tạo đà cho công nghiệp tỉnh nhà phát triển.

Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả

Thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN tại Thành phố mới Bình Dương phát triển ổn định. Tính từ đầu năm đến nay, các chỉ tiêu chủ yếu như doanh thu, xuất khẩu của các DN cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Có được kết quả này, vai trò của cơ sở hạ tầng trong các KCN hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, xây dựng hạ tầng tốt, hiện đại là cơ sở để các doanh nghiệp trong KCN tại Thành phố mới Bình Dương hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

 Theo ông Yokouchi, Tổng Giám đốc Công ty TPR Việt Nam, được thành lập tháng 6-2016 (KCN VSIP II-A), nhận thấy KCN có môi trường đầu tư thuận lợi, vừa qua công ty đã khánh thành nhà máy thứ 5 tại đây để tiếp tục mở rộng sản xuất sản phẩm phục vụ đời sống. Nhà máy thứ 5 có diện tích 35.000m2 , tổng vốn đầu tư hơn 42 triệu USD. Nhà máy sản xuất chủ yếu các sản phẩm mới như ron, gai dẫn, thiết bị điện, các sản phẩm gia dụng từ nhựa. Đây là dây chuyền sản xuất hoàn toàn mới của TPR Việt Nam. Hiện nay, mỗi tháng công ty dự tính sản xuất được 2,6 triệu sản phẩm gai dẫn, đến năm 2019 ước sản xuất tăng gấp 3 lần; về đệm sưởi hiện sản xuất được 120 triệu sản phẩm/tháng, năm 2019 dự tính đạt 160 triệu sản phẩm /tháng; sản phẩm nhựa gia dụng hiện đạt 30 triệu sản phẩm/tháng, đến năm 2019 dự kiến đạt 200 triệu sản phẩm/tháng.

 Ông Ogino Isao, Chủ tịch Tập đoàn Omron nói, 9 năm qua, công ty con tại Việt Nam đã sản xuất hơn 35 triệu sản phẩm các loại và phân phối trên 170 quốc gia. Hiện công ty có kế hoạch đến năm 2018 sẽ bắt đầu phát triển sản phẩm máy đo huyết áp mới; đến năm 2020 sẽ trở thành nhà máy nghiên cứu và sản xuất nhanh nhất thế giới, với doanh thu đạt 200 triệu USD, gấp đôi so với doanh thu hiện nay.

 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCN tại Thành phố mới Bình Dương đạt hiệu quả cao chính là sự khẳng định thành công của việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mới các KCN này. Đây cũng là minh chứng cho sự phát triển công nghiệp đúng hướng của Bình Dương.

Đánh giá về cơ sở hạ tầng các KCN tại Thành phố mới Bình Dương, ngài Bojidar Loukarsky, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Cộng hòa Bungari trong chuyến thăm tỉnh Bình Dương đã cho biết, ông thật sự ấn tượng về cơ sở vật chất và hạ tầng các KCN tại đây. Đặc biệt, KCN VSIP có hạ tầng tốt và hiện đại, cùng với thủ tục hành chính nhanh gọn đã tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư. Đây là mô hình KCN điển hình mà các KCN khác cần học hỏi.

Bài 2: Thu hút mạnh vốn đầu tư

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên