Thành phố thông minh, hướng đi tất yếu của Bình Dương

Cập nhật: 03-07-2017 | 19:07:56

LTS: Bình Dương đã chính thức phê duyệt Đề án xây dựng Thành phố thông minh (Navigator 2021) và có những bước đi rõ ràng trong thời gian gần đây nhằm cụ thể hóa các mục tiêu quan trọng. Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến đóng góp của Ths.KTS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Bình Dương xung quanh vấn đề này.

 Những bước đi mới mẻ

Từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21, internet đã phát triển mạnh mẽ, từng bước chuyển sang một số ứng dụng mang tính cách mạng trong lĩnh vực công nghệ thông tin như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật… đã tạo điều kiện kết nối, vận hành, quản lý xã hội tốt hơn; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào phát triển theo hướng “bền vững”. Cộng hưởng với tiến bộ công nghệ thông tin là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 từ năm 2011 đã tạo điều kiện để loài người tiến hành xây dựng những thành phố thông minh (TPTM) như: New York (Mỹ), Eindhoven (Hà Lan), Songdo (Hàn Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc)…

Xây dựng thành phố thông minh là bước đi tất yếu của Bình Dương nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: Một góc Thành phố mới Bình Dương.  Ảnh: XUÂN THI

Hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về TPTM nhưng tất cả các ý kiến đều đề cập đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông kết nối cảm biến, mạng không dây tốc độ cao, xử lý dữ liệu khối lượng lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tại Việt Nam, với hơn 744 đô thị lớn nhỏ, không kể hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, cũng đang rất quan tâm đến việc xây dựng TPTM. Hiện nay, TP.HCM đã triển khai lập ban điều hành, hội đồng tư vấn và phản biện xây dựng TPTM. Ngoài ra, TP.HCM cũng đã thành lập khung công nghệ tổng quan cũng như những bước đi cần thiết khác làm cơ sở xây dựng đô thị thông minh. Ngoài ra, Đà Nẵng và Cần Thơ cũng là hai địa phương đang nỗ lực mở rộng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, tổ chức hội thảo về TPTM, kêu gọi hợp tác, chọn đối tác đầu tư… để khởi động xây dựng TPTM.

Là một đô thị trẻ đầy năng động nằm trong khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, Bình Dương tất nhiên không khoanh tay dửng dưng với TPTM. Với sự giúp đỡ của chính quyền thành phố Eindhoven (Hà Lan), sự hợp tác giữa hai tập đoàn Brainport và Becamex IDC, ngày 21-11- 2016, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án xây dựng TPTM Bình Dương (Navitgator 2012) tại Quyết định số 3206/ QĐ-UBND với mục tiêu xây dựng Vùng thông minh Bình Dương bao gồm TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TX.Bến Cát với hạt nhân là Thành phố mới Bình Dương. TPTM Bình Dương sẽ là một trong 21 khu vực thông minh tiêu biểu trên thế giới và sẽ được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) công nhận vào năm 2021.

 Bản đồ Vùng thông minh Bình Dương

Nội dung cơ bản của Navigator 2021 là xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để chuyển đổi Bình Dương thành tỉnh có nền kinh tế sản xuất kỹ thuật cao, mô hình phát triển thông minh theo tiêu chí quốc tế thể hiện trên 4 lĩnh vực: Lao động - con người, công nghệ (R&D), doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng (cơ sở hạ tầng, môi trường, chất lượng cuộc sống). Như vậy, có thể nói đến thời điểm này Bình Dương đã tiến một bước rất xa trong việc hình thành và phát triển ý tưởng xây dựng TPTM cho tương lai.

Bình Dương cần sự đồng hành

Navigator 2021 là một đề án tổng hợp ngành, lĩnh vực mang tính tiên tiến, hành động nhằm đưa Bình Dương trở thành một TPTM được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, địa phương cần bổ sung những yếu tố nội sinh đã giúp Bình Dương phát triển trong thời gian qua. Về những yếu tố nội sinh này, trước hết phải kể đến việc lãnh đạo tỉnh đã năng động, gần dân, trọng thị đã tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đến đầu tư, làm ăn, sinh sống trên đất Bình Dương.

Thêm vào đó, Bình Dương cũng sẽ phải phát huy tốt yếu tố vị trí địa lý, bởi hiện nay Bình Dương đã được xác định là nằm trong khu vực trung tâm của Vùng TP.HCM theo dự thảo quy hoạch Vùng TP.HCM do tư vấn Bộ Xây dựng lập và đang trình phê duyệt. Ngoài ra, quỹ đất Bình Dương còn dồi dào, tiết kiệm chi phí xây dựng do nền đất tốt. Và cuối cùng, Bình Dương đang có hạ tầng kỹ thuật bảo đảm, có giao thông kết nối tốt. Đây là một lợi thế không thể nào đong đếm được trong việc xây dựng TPTM trong tương lai.

Những yếu tố nội sinh kể trên là các lợi thế tuyệt vời để Bình Dương xây dựng TPTM thành công. Có thể nói, bốn lĩnh vực xây dựng TPTM Bình Dương là con người, công nghệ doanh nghiệp và các yếu tố nền tảng đã xây dựng trong Navigator 2021 sẽ tăng thêm hiệu quả khi kế thừa, phát huy tốt các yếu tố nội sinh kể trên.

Ngoài những điều kiện thuận lợi vốn có của mình, Bình Dương cũng cần có những tác động mang tính tương hỗ từ bên ngoài. Chẳng hạn, hiện nay Bình Dương có mối quan hệ hợp tác làm ăn với hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 20.000 người nước ngoài đang sinh sống, làm việc. Phía sau các mối quan hệ của họ chính là tiềm lực kinh tế (vốn), công nghệ, kinh nghiệm, tác phong làm việc hiện đại… Bình Dương cần tiếp tục trân trọng nguồn vốn quý giá này để phát huy sự nghiệp xây dựng TPTM trong tương lai.

Ngày nay, nói đến Bình Dương là người dân trong nước và quốc tế nói chung đều nhìn nhận đây là vùng đất để làm ăn, có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp, sinh sống dễ dàng. Bình Dương cần tiếp tục xây dựng thương hiệu, quảng bá khu vực kinh tế thông minh Bình Dương để tạo ra nhận thức địa phương, tự hào quốc gia và danh tiếng thế giới. Có thể nói, yếu tố này cùng với mối quan hệ kể trên sẽ là đòn bẩy đưa Bình Dương hội nhập sâu hơn với thế giới, góp phần giúp cho tỉnh xây dựng thành công Navigator 2021.

Ngoài ra, theo quy hoạch đô thị, Bình Dương hiện nay được xác định là một cực phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong xu thế hiện nay, Bình Dương cần đẩy mạnh sự hợp tác, sự phân công sản xuất… dựa trên thế mạnh của mình nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh. Việc hợp tác thể hiện qua việc điều chỉnh chiến lược phát triển, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để củng cố sức mạnh từng địa phương và đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI, nhất là doanh nghiệp kỹ thuật cao và công nghiệp phụ trợ. TPTM Bình Dương khó phát triển nếu thiếu hay không nhận được sự hợp tác từ các địa phương.

Nhìn chung, lợi ích của việc xây dựng TPTM đã được thế giới tổng kết qua nhiều mặt. Xu thế phát triển TPTM trên thế giới được cho là tất yếu trong khi mô hình xây dựng TPTM tại Việt Nam chưa được định hình, chưa có kinh nghiệm xây dựng. Chính vì thế, còn có rất nhiều vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận, làm rõ và rất cần sự tham gia của lãnh đạo các cấp và giới chuyên môn trên nhiều lĩnh vực. Có được sự hợp tác nghiên cứu, đánh giá đa chiều như thế, chắc chắn trong tương lai gần Việt Nam sẽ xây dựng thành công nhiều TPTM.

Ths.KTS HUỲNH VĂN MINH (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Bình Dương)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên