Thành phố thông minh - xu thế tất yếu

Cập nhật: 23-08-2016 | 22:18:34

Nếu như ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đã có “thành phố thông minh”, thì tại Việt Nam khái niệm này mới xuất hiện những năm gần đây. Các chuyên gia cho rằng, phát triển thành phố thông minh là một mô hình rất cần thiết và thích hợp với xu thế chung của thế giới.

Khái niệm “thành phố thông minh”

Thành phố thông minh (TPTM) là những thành phố mà ở đó công nghệ thông tin và truyền thông được ứng dụng vào mọi hoạt động đem lại hiệu quả cao trong quản lý hành chính, trong phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông, xã hội và cộng đồng.

TPTM được hiểu là sự hội tụ của 3 yếu tố gồm: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện. Khi đó, thành phố có nền kinh tế thông minh, đi lại thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh. Trong đó, cư dân thông minh không chỉ là trình độ học vấn và chất lượng đào tạo mà còn bao gồm các tương tác hướng đến một xã hội mở; quản trị thông minh gồm các khía cạnh của quản lý, dịch vụ cho cư dân cũng như chức năng của các đơn vị hành chính; nền kinh tế thông minh gồm các yếu tố sáng tạo, hợp tác đầu tư, thương hiệu, hiệu quả sản xuất và thị trường lao động linh hoạt gồm cả trong và ngoài nước...

Singapore lọt top 10 “thành phố thông minh” nhất thế giới.

Phát triển mô hình thành phố thông minh đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm và bắt tay xây dựng. Theo Tổ chức Smart City Council, với mô hình này, bất cứ người dân nào cũng được hưởng thụ cuộc sống “như mơ” với môi trường sống thuận tiện, trong sạch, kết nối cao, khỏe mạnh và an toàn. Trong khi đó, các giá trị gia tăng cao sẽ được phát huy tối đa như chi phí sinh hoạt thấp, giao thông thuận lợi, giáo dục tốt, nước sạch, không khí trong lành hay ít tội phạm...

Hướng đi tất yếu

Khái niệm TPTM đã được giới thiệu ở Việt Nam trong những năm gần đây, một số nơi đã có những bước triển khai. Cụ thể, năm 2012, Đà Nẵng là đô thị đầu tiên được Tập đoàn công nghệ IBM chọn là một trong 33 thành phố trên thế giới xây dựng TPTM. Khi đó, Đà Nẵng được nhận tài trợ từ chương trình "thành phố thông minh hơn" (một sáng kiến kéo dài 3 năm của IBM, có tổng giá trị hỗ trợ hơn 50 triệu đô la Mỹ dành cho 100 thành phố trên thế giới). Thành phố đã sử dụng giải pháp điều hành trung tâm thông minh để đảm bảo chất lượng nguồn nước phục vụ người dân, cung cấp giao thông công cộng tốt nhất và giảm thiểu ách tắc giao thông.

Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đã có những bước triển khai cụ thể về những khía cạnh khác nhau của TPTM.

Tại Bình Dương, cách đây hơn một năm, ngày 15/1/2015, tỉnh Bình Dương đã ký Biên bản ghi nhớ với thành phố Eindhoven (Hà Lan). Đây là cơ sở cho hai bên cử đại diện tiến hành các bước nghiên cứu, khảo sát, làm việc với chính quyền, tập đoàn đa quốc gia... nhằm xác định các mục tiêu, yếu tố then chốt và đối tác quan trọng nhằm đưa ra một kế hoạch cụ thể cho tiến trình xây dựng mô hình kiềng ba chân/ba nhà (nhà nước - trường viện - doanh nghiệp) cho tỉnh Bình Dương mà tiền đề là xây dựng thành phố thông minh Bình Dương.  

Theo tin tức/TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên