“Thành tích” không ai muốn nhận!

Cập nhật: 13-06-2019 | 09:28:53

Tại hội thảo “Rác thải nhựa - Khu vực công, tư cùng giải quyết thách thức” do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa tổ chức, đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam mỗi năm. Theo số liệu của FAO, lượng nhựa tiêu thụ của Việt Nam ước tăng 16 - 18%/năm. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương hàng năm.

Những số liệu vừa nêu quả thực là “đáng sợ” về sức tiêu thụ cũng như “khả năng” xả rác thải nhựa của Việt Nam. Hậu quả của rác thải nhựa đối với môi trường chắc chắn nhiều người đã biết. Nhưng cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, các nhà khoa học đã nhận định, mỗi sản phẩm từ nhựa phải mất từ 20 năm đến 1.000 năm để phân hủy hoàn toàn, một người trưởng thành có thể phải “ăn” 52.000 hạt vi nhựa/năm.

Tháng 6 hàng năm, nhiều quốc gia tổ chức các chiến dịch làm sạch môi trường để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6). Tại Việt Nam, các bộ ngành, địa phương, các tổ chức đoàn thể, xã hội nhân dịp này cũng rầm rộ ra quân, phát động nhằm xây dựng, bảo vệ môi trường sống ngày càng trong sạch hơn. Và, mỗi đợt ra quân, mỗi lần phát động, những chiến dịch hành động vì môi trường đều thu về những kết quả rất đáng phấn khởi. Số người tham gia ngày càng động hơn, bãi biển, khu du lịch, công viên, đường phố, ngõ hẻm, những con sông, dòng kênh… ngày một sạch đẹp, trong lành hơn.

Nhưng nhìn tổng thể chừng đó hoạt động là chưa đủ để đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm môi trường mà ngày ngày mỗi một người dân phải đối mặt. Chỉ mỗi một vấn đề rác thải nhựa muốn giải quyết triệt để đã là chuyện khó. “Văn hóa” tiêu dùng bằng các sản phẩm nhựa đã quá phổ biến tại Việt Nam. Tất tần tật các hoạt động tiêu dùng hàng ngày của người dân đều ít nhiều sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Vì lẽ đó, cộng với thói quen “tiện đâu, vứt đó” sau khi sử dụng của không ít người đã làm cho tình trạng ô nhiễm thêm trầm trọng.

Hành động vì môi trường không thể bó hẹp trong từng chiến dịch, từng thời điểm mà phải thường xuyên, liên tục và đó là hành động không của riêng ai. Và hành động dù có quyết liệt, sâu rộng cỡ nào mà ý thức, nhận thức của con người không thay đổi thì cũng khó lòng giải quyết tốt. Mỗi khi ý thức, nhận thức chưa thay đổi, chưa nâng cao thì “thành tích” rác thải nhựa như đã nêu phải nhận lãnh là đương nhiên!

 TRIỆU PHONG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên