Tháo gỡ khó khăn trong công tác đào tạo nghề

Cập nhật: 22-04-2013 | 00:00:00

(BDO) Trong thời gian qua công tác đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển, đóng góp quan trọng về lực lượng lao động có tay nghề vào sự phát triển công nghiệp của tỉnh. Tuy vậy, để đáp ứng tốt nhu cầu lao động có tay nghề, tỉnh cần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác đào tạo nghề và dạy nghề hiện nay.

Từ những con số…

Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, tính đến ngày 31-3-2013, trên địa bàn tỉnh có 53 cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp có đăng ký hoạt động dạy nghề. Trong đó, số lượng cơ sở dạy nghề ngoài công lập gia tăng hàng năm, nếu như năm 2008 có 16 cơ sở thì đến năm 2012 đã có 33 cơ sở. Hàng năm, các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo cho hơn 30 ngàn học viên, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh năm 2012 đạt 64%.

 

Lao động qua đào tạo ngày càng đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ năm 2011 - 2013, kinh phí hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề theo Quyết định 826/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phân bổ cho các trường có nghề trọng điểm của tỉnh Bình Dương là 28 tỷ đồng. Trong đó, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore 20 tỷ đồng, Trường Trung cấp nghề Bình Dương 3 tỷ đồng, Trường Trung cấp nghề Tân Uyên 3 tỷ đồng, Trường Trung cấp nghề Dĩ An 1 tỷ đồng và Trường Trung cấp nghề Việt – Hàn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, từ năm 2010 – 2012, các trường, cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn còn được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề với tổng giá trị 16,5 tỷ đồng.

Qua những con số trên cho thấy, công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến nay đã có những bước chuyển biến rõ rệt về chất và lượng. Các trường, cơ sở dạy nghề từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo nghề. “Qua 5 năm, từ năm 2008 - 2012, số lượng cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã không ngừng tăng lên giúp cho hệ thống cơ sở dạy nghề của tỉnh đa dạng, phong phú hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho người học khi có nhu cầu đăng ký học nghề”, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh nhận định.

Tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh

“Do là huyện cách xa trung tâm của tỉnh nên công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn, số lượng thí sinh quá ít, hiện không một ngành nào đủ số lượng học sinh để mở lớp mặc dù đã được phép mở lớp”, Hiệu trưởng trường Trung cấp kỹ thuật Phú Giáo Phạm Hữu Phước cho biết.

Mặc dù các cơ sở dạy nghề trang bị đầu đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị học nghề nhưng việc tuyển sinh vẫn là vấn đề nan giải của các cơ sở dạy nghề. Như trường Trung cấp kỹ thuật Phú Giáo, trong năm học 2012 – 2013 chỉ tiêu của trường là 600 cho 3 ngành Kế toán doanh nghiệp, Điện công nghiệp – Dân dụng và Công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử nhưng đến nay trường vẫn không tuyển sinh đủ chỉ tiêu để mở lớp.

Ngoài ra, việc đào tạo nghề hệ cao đẳng và trung cấp kéo dài từ 2 – 3 năm nên việc các học viên chọn học các lớp dạy nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng) là lựa chọn tối ưu của các học viên. Số liệu đào tạo trong năm 2011 - 2012 là 38.443 học viên thì có đến 10.528 học viên đăng ký lớp dạy nghề ngắn hạn, điều này dẫn đến các bậc đào tạo cao đẳng, trung cấp không tuyển sinh được đủ số lượng học viên để mở lớp.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dĩ An Kiều Giác Ngộ cho biết, hiện nay, học nghề ngắn hạn là lựa chọn của nhiều học viên do thời gian đào tạo ngắn, học phí thấp, học xong là có thể xin việc. Trong học kỳ I, năm học 2012 - 2013, trường đào tạo 86 học sinh của các khóa 2010 - 2013, 2011 - 2014, 2012 - 2015, trong đó có một số lớp phải cho các em học đôn lớp vì không đủ học sinh để duy trì lớp học.

Bên cạnh đó, việc khó khăn trong tuyển sinh các trường nghề, cơ sở dạy nghề còn do tâm lý của phụ huynh và học sinh còn “coi trọng” học đại học, chưa nhận định đúng bản chất của việc học nghề; sự liên thông đào tạo giữa các cấp trình độ của hệ thống đào tạo nghề và hệ thống giáo dục chưa được thống nhất, đôi khi có sự chồng chéo nên chưa thu hút được nhiều học viên; các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh với số điểm khá thấp, chủ yếu là xét tuyển, nhất là các ngành nghề không nặng về đầu tư cơ sở vật chất như kế toán, văn thư, thư ký văn phòng…

Do việc tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, các trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, dạy nghề không được sử dụng, nếu sử dụng thì rất hạn chế, thậm chí một số trang thiết bị đang ở trong tình trạng “trùm mềm” do không đủ học viên để mở lớp. Như trường Trung cấp nghề Tân Uyên, từ năm 2010 – 2011 được phân bổ 6 tỷ đồng (bao gồm cả kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn và phân bổ cho các trường có nghề trọng điểm) để trang bị thiết bị cho các ngành nghề như may gia dụng, cắt uốn tóc, sửa chữa máy tính, sửa chữa xe máy, hàn gò, điện – điện tử…nhưng hiện tại trường chủ yếu đào tạo dạy nghề ngắn hạn nên các các trang thiết bị vẫn còn trong tình trạng “tồn kho”. Còn Trường Trung cấp kỹ thuật Phú Giáo đã trang bị 3 phòng máy vi tính hiện đại nhưng hiện tại chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn huyện Phú Giáo.

Để đáp ứng được yêu cầu phát triển mạnh về công nghiệp như Bình Dương đòi hỏi công tác đào tạo nghề và dạy nghề phải có những bước đổi mới tích cực, trước hết là cần thống nhất trong việc đào tạo giữa các cấp trình độ của hệ thống đào tạo nghề và giáo dục để có sự phân luồng hợp lý; đồng thời, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút các nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp để hỗ trợ công tác dạy nghề tại tỉnh. Có như vậy, người lao động sau khi được đào tạo ra trường có việc làm ổn định, bảo đảm theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

Hoàng Phạm

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên