Thấp thỏm khi mủ cao su rớt giá

Cập nhật: 25-11-2011 | 00:00:00

“Vàng trắng” mất giá

Về các địa phương trồng nhiều CS của tỉnh trong những ngày này, chúng tôi vẫn thấy không khí khá tấp nập của các hoạt động khai thác, mua bán mủ CS nhưng gương mặt của nhiều nông dân là chủ của các vườn CS tiểu điền đã không còn phấn khởi như cách đây vài tháng. Nguyên nhân của thực trạng này là do trong gần 1 tháng nay, giá mua mủ CS liên tục xuống thấp làm cho nhiều người lo lắng vì tình hình này gần giống như cách đây 3 năm khi mà giá mua mủ đã xuống ở mức thấp nhất, chỉ khoảng 140 - 180 đồng/độ. Ông Nguyễn Văn Thanh  ngụ tại xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng cho biết, năm nay nhiều người tỏ ra lo lắng hơn vì so với những năm trước giá mủ như vậy vẫn còn duy trì ở mức cao nhưng nếu so với từ đầu mùa cạo đến nay thì giá mua mủ CS đã giảm quá mạnh. Ở tại địa phương vào cao điểm mùa cạo có lúc giá lên đến gần 1.000 đồng/độ nhưng nay chỉ còn khoảng 540 - 560 đồng/độ. Rất nhiều người như ông Thanh đang rất lo lắng cho vườn cây gia đình mình vì thời điểm đầu mùa mủ có giá nhưng sản lượng còn thấp nên người trồng CS chưa có lời nhiều. Còn hiện tại sản lượng mủ đang tăng thì giá lại rớt liên tục đã tạo ra một mùa cạo không được vui trọn vẹn của người trồng CS. Chị Hạnh ngụ tại xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo lo lắng cho biết, cách đây một tháng vườn CS của gia đình còn cho thu nhập trên 600.000 đồng/ngày, còn hiện nay chỉ được gần 300.000 đồng/ngày. Nhiều người trồng cao su đang mong chờ giá mua mủ sẽ tăng trở lại

Thử đi tìm nguyên nhân

Tuy giá mua mủ có xuống thấp nhưng nếu những vườn cây được chăm sóc tốt và có chế độ cạo hợp lý thì vẫn mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho người trồng. Có một thực tế là năm nay giá mua mủ CS xuống thấp lại đi ngược lại với đà tăng của giá xăng dầu thế giới. Thường thì nếu giá xăng dầu tăng thì giá bán mủ CS trên thị trường cũng tăng theo nhưng năm nay thì ngược lại. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì giá bán CS giảm trong thời gian qua bắt nguồn từ những lo ngại của tình hình nợ công tại châu Âu. Bên cạnh đó, đất nước Thái Lan ngập lụt nghiêm trọng kéo dài trong thời gian qua đã là ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô thế giới, khiến cho tình hình xuất khẩu CS của Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng. Do các hãng sản xuất ô tô của Nhật Bản có các công ty sản xuất linh kiện tại Thái Lan giảm sản lượng sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu. Một khách hàng lớn của thị trường CS Việt Nam là Trung Quốc do lo ngại tình hình giá cả CS thế giới nên đã hủy hoặc trì hoãn nhập một số lô hàng đã tác động xấu đến thị trường CS trong nước.

Hiện nay nhiều người trồng CS đã tỏ ra lo lắng không còn tăng cường bón phân cho vườn cây của mình nữa do lo ngại giá mủ sẽ tiếp tục xuống thấp. Tuy nhiên, theo đánh giá chung của nhiều người thì giá CS giảm như hiện nay chỉ là nhất thời và thời gian mùa cạo còn lại của năm nay còn dài nên hy vọng giá mủ sẽ tăng trở lại. Với những công ty CS lớn thì họ đã có các phương án kinh doanh cho một khoảng thời gian dài cũng như dự trù được các rủi ro có thể xảy ra. Khó khăn lớn nhất vẫn thuộc về những người trồng CS tiểu điền vì đa số họ chỉ biết trồng và thu hoạch chứ ít khi tìm hiểu đến thị trường để có các phương án sản xuất phù hợp cho các giai đoạn. Hiện nay tất cả họ đều mong chờ giá mua mủ sẽ tăng trở lại để họ có được một vụ mùa với niềm vui trọn vẹn.

ĐÀ BÌNH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên