Thêm ưu đãi để nâng chuẩn thầy

Cập nhật: 18-08-2017 | 07:46:19

Sư phạm là ngành chuyên đào tạo ra những người thầy, đúng nghĩa là thầy. Trong bối cảnh điểm chuẩn đầu vào của ngành này ngày càng giảm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng cần phải có các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó có chất lượng đầu vào. Để thực hiện điều này, từ năm 2018 các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên sẽ có quy định điểm sàn riêng. Đây là một trong những giải pháp đã được Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành sư phạm trong những năm tới.

 Không phải ngẫu nhiên mà cha ông ta có câu “không thầy đố mày làm nên”. Thầy trong suy nghĩ của người xưa bao hàm nhiều nghĩa. Bên cạnh dạy chữ, thầy còn dạy học trò cách làm ăn và nhân nghĩa ở đời. Người thầy được cả cộng đồng xã hội tôn vinh vì có suy nghĩ hơn người và vì cả nhân cách. Mặc dù không có những “lò đào tạo” chuyên nghiệp như ngày nay, nhưng đã trót là thầy thì ai cũng phải giữ cốt cách sao cho ra thầy. Đã là thầy thì “giấy rách phải giữ lấy lề”, không vì nghèo mà sinh ra xằng bậy, không vì khó mà hạ thấp nhân cách. Thầy xưa là vậy! Xã hội ngày càng tiến bộ thì đội ngũ những người thầy ngày càng lớn mạnh. Do yêu cầu của xã hội, đội ngũ những người thầy cũng được đào tạo bài bản hơn. Tuy nhiên, vai trò của người thầy trong xã hội vẫn không thay đổi.

Lịch sử Việt Nam từ khi lập quốc đến nay luôn coi trọng những người thầy và ngành sư phạm được xem như “cỗ máy cái” sản sinh nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, cũng có lúc người ta quên đi điều này, đặc biệt là những năm gần đây, khi đồng lương của người thầy không nuôi nổi bản thân thầy thì ngành sư phạm càng bị xem nhẹ. Hệ lụy kéo theo là nhiều người không còn mặn mà với nghề “gieo chữ”, trò giỏi không muốn nối gót thầy để dẫn dắt những thế hệ đi sau. Các “lò đào tạo” thầy vì vậy cũng phải hạ bớt chuẩn để tiếp tục hoạt động! Và, nếu điều này tiếp tục diễn ra thì xã hội sẽ về đâu một khi đội ngũ những người thầy không còn người giỏi theo nghề?

Nhận thấy sự nguy hiểm của việc giảm sút chất lượng “cỗ máy cái” sản sinh nhân tài, Bộ GD-ĐT đã lên tiếng sẽ quản lý chất lượng đầu vào ngành sư phạm bằng điểm sàn riêng. Đây là động thái kịp thời của cơ quan quản lý các “lò đào tạo” thầy. Tuy nhiên, động thái này chỉ là biện pháp tình thế, là rào cản được dựng lên để ngăn bớt người dở, chưa phải là giải pháp để thu hút nhân tài cho ngành sư phạm. Sự hưng thịnh của một quốc gia, sự tồn vong của một dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào việc quốc gia, dân tộc đó nhìn nhận như thế nào về vai trò của người thầy. Để có những người thầy thực sự giỏi, để chất lượng đội ngũ những người thầy ngày càng được nâng cao, thiết nghĩ xã hội phải có cái nhìn thật khác đối với ngành sư phạm so với hiện nay.

Nâng điểm chuẩn đầu vào, đóng cửa những cơ sở đào tạo chất lượng thấp… chỉ là những giải pháp tình thế. Vấn đề sâu xa để có thể nâng chuẩn thầy không gì khác là phải có những đãi ngộ thích đáng đối với thầy. Trúng tuyển vào ngành sư phạm được bao cấp hoàn toàn, ra trường có việc làm ổn định với mức lương cao và có những ưu đãi khác thì chắc chắn chuẩn thầy sẽ được nâng lên

LÊ QUANG

 

Chia sẻ bài viết
Tags
thầy

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên