Thi tốt nghiệp THPT 2021: Kinh nghiệm ôn tập môn ngữ văn

Cập nhật: 25-05-2021 | 13:06:03

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, Bình Dương có nhiều môn thi được xếp hạng điểm trung bình môn ở tốp đầu, trong đó có môn ngữ văn. Kỳ thi tốt nghiệp năm nay đang đến gần, cô Võ Thị Hải Chi, giáo viên dạy ngữ văn trường THPT chuyên Hùng Vương (TP.Thủ Dầu Một), Tổ phó Tổ nghiệp vụ bộ môn ngữ văn Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), đã chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy để ôn tập có hiệu quả, tiếp tục nâng cao chất lượng thi ở môn học này.


Học sinh trường THPT Bến Cát tích cực ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021

Theo cô Hải Chi, để đạt kết quả tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, mỗi trường, mỗi giáo viên cần có kế hoạch ôn tập chi tiết, cụ thể. Kế hoạch ôn tập nên theo đúng lộ trình, phù hợp với đối tượng học sinh (HS). Thầy cô nên phân hóa đối tượng rõ ràng, vì có em thi chỉ để xét tốt nghiệp, có em thi dùng môn ngữ văn để xét tuyển đại học. Trong quá trình ôn tập cần bảo đảm vừa củng cố lý thuyết, vừa hướng tới thực hành. Đặc biệt, giáo viên phải bám sát đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT; phân tích được cấu trúc đề và tỷ lệ điểm từng câu, đồng thời chú ý dạng đề thi.

“Điểm mới năm nay, giáo viên ôn tập nên chú ý vào khung ma trận và bản đặc tả trong phần kiểm tra đánh giá của bộ để chủ động thiết kế những bộ đề ôn tập cho HS. Khung ma trận và bảng đặc tả đó giáo viên lớp 12 đã được Sở GD-ĐT tập huấn. Từ đó, giáo viên chủ động thiết kế bộ đề cho mình mà không bị lệch trọng tâm. Quan trọng nhất là thầy cô cần cho HS thực hành nhiều kiểu câu hỏi ở phần đọc hiểu, nhiều dạng đề trong cấu trúc đề thi” , cô Chi nói.

Cô Chi cho rằng trong quá trình ôn tập, giáo viên nên có sự chủ động, chú ý những đặc trưng của thể loại để có hướng ôn tập cho các em. Khi HS đã nhuần nhuyễn kỹ năng làm bài, có nền kiến thức tốt thì các em sẽ dễ đạt được điểm cao. Muốn vậy, giáo viên phải biết cách định hướng HS làm bài, cho các em thực hành nhiều, bám sát khung hướng dẫn chấm của bộ những năm trước và những phần đã được tập huấn.

Nếu có thời gian, thầy cô nên cho HS thi thử, giáo viên chấm, sửa bài. Từ kết quả của các em, thầy cô sẽ định hướng cho HS những phần kiến thức cần bổ sung. Thời gian này phần củng cố kiến thức cho HS đã xong, giáo viên nên tăng cường cho các em thực hành từ những bước cơ bản nhất đến nâng cao. Giáo viên phải nhận xét, đánh giá, định hướng trực tiếp trên bài làm của các em, giúp HS nhớ lâu nhất.

Đối với HS, cô Chi chia sẻ để đạt kết quả cao, các em nên biết sắp xếp thời gian học theo từng chủ đề. Đối với phần đọc hiểu, HS cần nắm được các dạng câu hỏi và trả lời những dạng câu hỏi đó. Các em cần nhớ, nguyên tắc đọc hiểu là hỏi gì trả lời đó, ngắn gọn, chính xác, đúng trọng tâm. Ở phần viết đoạn văn nghị luận xã hội, HS nên biết kỹ năng viết đoạn, xác định trọng tâm vấn đề nghị luận.

“Để đạt điểm cao, HS cần chú ý rà soát các tác phẩm trọng tâm của chương trình; chủ động ôn tập những dạng đề khác nhau liên quan đến tác phẩm đó dưới sự hướng dẫn của thầy cô; đồng thời, các em phải biết kỹ năng viết bài nghị luận văn học. Ở phần viết đoạn văn và viết bài nghị luận văn học, HS cần nắm được tiêu chí chấm của đoạn văn và bài văn trong khung hướng dẫn của bộ, qua đó các em biết cần viết những gì để đạt được điểm cao”, cô Chi chia sẻ thêm.

HỒNG THÁI (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X