Thị trường miền Đông cho hàng Việt: Cần kết nối để cùng phát triển

Cập nhật: 15-02-2012 | 00:00:00

Tiềm năng phát triển thị trường khu vực miền Đông Nam bộ rất lớn nhưng hiện nay vẫn chưa được phát huy cao độ. Nguyên nhân được các đại biểu, doanh nghiệp đặt ra tại hội thảo triển lãm kết nối phát triển thị trường này vào ngày 14-2 tại TP.Vũng Tàu đã lộ ra nhiều điều.  Một gian hàng Việt Nam chất lượng cao trưng bày tại hội thảo - triển lãm tìm cơ hội phát triển thị trường miền Đông ở TP.Vũng Tàu sáng 14-2

Ít quan tâm hệ thống phân phối truyền thống

Hiện nay, với yêu cầu phát triển ngày càng cao, tốc độ luân chuyển hàng hóa và sức mua càng lớn đã làm cho người tiêu dùng dần thích ứng với các hệ thống phân phối chuyên nghiệp. Điều đó dẫn đến hệ thống phân phối hiện đại đang cạnh tranh gay gắt với hệ thống truyền thống. Đó là thực tế! Trong hệ thống hiện đại, chuỗi các siêu thị, trung tâm thương mại của các doanh nghiệp trong nước cũng cạnh tranh gay gắt với các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia như Lotte, BigC, Metro...

Theo các đại biểu, hệ thống phân phối truyền thống ít được quan tâm xây dựng và củng cố tại các địa phương. Tình hình suy yếu của một số hệ thống phân phối trong nước sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa sản xuất của các doanh nghiệp nội. Bên cạnh đó, các kênh phân phối của các doanh nghiệp trong nước tự thiết lập hầu như chưa đủ mạnh. Tại các chợ truyền thống, hàng hóa có chất lượng trung bình và cao, thấp lẫn lộn nên không định vị được khách hàng. Cùng với đó dân cư phân bổ không tập trung, mức thu nhập không đồng đều giữa các vùng cũng gây khó khăn cho việc thiết lập hệ thống phân phối, đặc biệt là vùng nông thôn. Việc vận chuyển hàng hóa chưa thuận lợi, tốn nhiều chi phí đã tạo nên giá thành cao.

Trong nhận thức về lưu thông hàng hóa chưa được đặt ngang với vai trò của sản xuất, trong khi đó, đây là hai khâu then chốt nhất để phát triển thị trường nội địa. Cũng từ đó mà thị trường và hạ tầng thương mại ít được quan tâm đầu tư phát triển hoặc có đầu tư thì dàn trải, chạy theo thành tích, số lượng nhưng hiệu quả thấp. Thông tin về thị trường, mạng lưới phân phối còn thiếu và cũ. Chưa có một chiến lược rõ ràng cho việc liên kết mạng lưới phân phối giữa các tỉnh mà mỗi nơi đều có một kiểu làm riêng... Tất cả đó đã vẽ nên một bức tranh thị trường miền Đông với nhiều “gam màu” khác nhau, chưa thiết lập được một thị trường phát triển mạnh, xứng với tiềm năng của nó.

Trong tham luận gửi tới hội thảo của Sở Công Thương Bình Dương cho biết, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại như: được vay vốn để xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại với hình thức thế chấp công trình đã và đang đầu tư; ngân sách Nhà nước hỗ trợ với hình thức cho vay vốn ưu đãi của quỹ đầu tư phát triển, ngân hàng chính sách; được miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn như chợ loại I, khu triển lãm, giới thiệu sản phẩm, siêu thị, trung tâm thương mại; UBND huyện, thị xã tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, Nhà nước hỗ trợ cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống thoát nước ngoài chợ; khuyến khích thương nhân đang kinh doanh hoạt động chợ truyền thống từng bước chuyển sang loại hình kinh doanh thương mại hiện đại...

Tăng cường kết nối để năng động hơn

Nhìn chung, đại diện các sở công thương của các tỉnh, thành và một số doanh nghiệp đều cho rằng, để phát triển thị trường miền Đông cần tăng cường sự kết nối tạo sự thông thương cho hàng hóa Việt Nam. Có ý kiến còn nhận định cần phải có một “nhạc trưởng” mới kết nối thuận lợi hơn. Đồng thời, phải tăng tính hiệu quả của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Về lâu dài cần nghĩ đến việc xây dựng mạng lưới căn cơ, bền vững cho hàng Việt, chứ không chỉ là những chuyến bán hàng lưu động. Cần nhận thức rõ rằng đưa hàng Việt về nông thôn không phải là chương trình bán dạo mà đó chính là một phương thức để xâm nhập vào mạng lưới phân phối tại địa phương. Như thế mới dần dần tạo cho hàng hóa có chỗ bám trụ lâu dài.  

Khách hàng tham quan gian hàng của Công ty TNHH Minh Long I tại triển lãm

Bên cạnh đó, cần xây dựng chuỗi cửa hàng chuyên bán hàng Việt Nam về tận tuyến huyện, thị, tăng cường đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, quảng bá, tiếp thị, truyền thông phải được ưu ái để tạo điểm nhấn... Để tạo đà phát triển thị trường miền Đông, bà Lê Thị Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh thành trong vùng cần quan tâm và nghiên cứu việc liên kết vùng, quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại, ban hành các chính sách ưu đãi trong đầu tư hạ tầng thương mại. Xây dựng và triển khai có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại nội địa, tăng cường đưa hàng Việt về với các vùng miền nông thôn. Song song đó cũng phải thường xuyên kiểm soát việc đầu cơ, tăng giá, hàng gian, hàng giả trà trộn vào sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao cũng như hiệu quả của cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. 

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao: Sẵn sàng làm “ông mai, bà mối” cho doanh nghiệp

 Bên lề hội thảo - triển lãm - kết nối cùng tìm cơ hội phát triển thị trường miền Đông, bà Vũ Kim Hạnh đã có những chia sẻ khá cởi mở về tình hình thị trường, doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như chương trình của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trong thời gian tới.

- Thưa bà, để phát triển thị trường miền Đông cần phải làm gì trong thời gian tới?

- Ở miền Đông cũng có những nhà sản xuất khá nổi tiếng, có thương hiệu không chỉ trong nước mà trên cả thế giới như: Vina café, gốm sứ Minh Long... Hệ thống phân phối của các doanh nghiệp này bắt đầu khá rõ nét. Chỉ có hệ thống chợ truyền thống tiềm năng còn rất nhiều, trong thời gian tới nếu được đầu tư tập trung sẽ góp phần phân phối hàng hóa rất tốt. Chúng ta phải kết nối tất cả các nguồn lực để tăng sức mạnh của mình, từ nguồn lực sản xuất cho đến nguồn lực phân phối. Đặc biệt là tăng thêm niềm tin của người tiêu dùng để có thể phát triển được thị trường cho hàng Việt.

- Doanh nghiệp cần làm gì để phát triển thị trường miền Đông?

- Người tiêu dùng ở khu vực miền Đông tiếp cận với hệ thống phân phối hiện đại khá nhanh, điều đó cho thấy thương hiệu được người tiêu dùng rất chú trọng. Yếu tố thương hiệu là hết sức quan trọng và đặt ra yêu cầu cao cho các doanh nghiệp nếu muốn phát triển ở thị trường miền Đông. Yếu tố xây dựng thương hiệu quan trọng nhất vẫn là chất lượng, hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước thời gian gần đây cũng đã rất nỗ lực để bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hệ thống phân phối, nhận diện cũng như các hoạt động tiếp thị để quảng bá cho thương hiệu rất cần. Các doanh nghiệp trong nước còn phải chú trọng nhiều hơn về bản sắc thương hiệu cũng như quảng bá. Đó là một mảng cần có sự đầu tư và chuyên nghiệp. Tôi hy vọng sắp tới các doanh nghiệp sẽ chú trọng hơn đến các yếu tố trên để có thể đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

- Chương trình của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trong năm nay như thế nào?

- Năm 2012, chương trình của chúng tôi là đưa hàng Việt về chợ truyền thống, bắt đầu từ tháng 3, trong đó Bình Dương có 2 địa bàn được tổ chức là Phú Giáo và Bến Cát vào tháng 8 và tháng 11. Chúng tôi sẵn sàng làm “ông mai, bà mối” cho các doanh nghiệp đến với người tiêu dùng. Dự án hàng Việt về nông thôn sẽ tập trung vào 3 tiêu chí chính là: Nâng chất lượng phiên chợ; mở rộng đối tượng doanh nghiệp tham gia và mở rộng thị trường. Về Nâng chất lượng phiên chợ bằng cách cải tiến và bổ sung một số hoạt động như huấn luyện tiểu thương, tọa đàm, các hoạt động xã hội (khám bệnh và phát thuốc miễn phí; tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em và tặng quà cho các hộ nghèo, học sinh nghèo...). Về mở rộng đối tượng doanh nghiệp tham gia sẽ cung cấp các thông tin về quy chuẩn và các tiêu chí tiếp nhận và tham gia phiên chợ cho các doanh nghiệp trên website của hội. Về mở rộng thị trường sẽ tập trung mở rộng đưa hàng Việt về nông thôn ở các thị trường mới, ở các vùng sâu xa (các tỉnh miền Đông và cao nguyên), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận - bám sát thị trường và củng cố mạng lưới phân phối của chính các doanh nghiệp tham gia.

KỲ TÂN

 

      

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên