Thị trường nông thôn: Các doanh nghiệp cần khai thác tốt

Cập nhật: 25-05-2018 | 06:24:03

 Sự có mặt của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn nước ngoài trong ngành bán lẻ tại Bình Dương đang đặt ra nhiều vấn đề cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước, đòi hỏi sự nỗ lực lớn để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhất là khu vực nông thôn.

Thị trường hấp dẫn

Theo quy hoạch, đến năm 2020, toàn tỉnh có 122 chợ, 24 siêu thị và 37 trung tâm thương mại. Đến nay, toàn tỉnh đã có 106 chợ, 11 siêu thị, 3 trung tâm thương mại. Mặc dù quy mô thị trường lớn nhưng ngành bán lẻ ở nông thôn trong tỉnh vẫn còn tập trung nhiều vào các kênh phân phối truyền thống thông qua chợ, cửa hàng nhỏ lẻ. Dù thương mại trong nước có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của cả nước nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Cụ thể, hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã.

Một hội chợ hàng Việt tổ chức ở huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: TIỂU MY

Hiện nay, siêu thị, trung tâm thương mại chỉ tập trung tại khu vực thành thị, còn địa bàn nông thôn trong tỉnh chưa phát triển mạnh vì sức mua của người dân ở đây còn rất thấp nên các DN chưa đầu tư; bên cạnh đó khu vực nông thôn chưa phát triển rộng hệ thống cửa hàng tiện ích. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh rất mong muốn mở rộng thị trường bán lẻ tại khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực phía bắc của tỉnh, nhưng đến nay các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng trong khâu nghiên cứu thị trường ở khu vực này.

Khu vực nông thôn tỉnh Bình Dương hiện nay đang là thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư, vì mức thu nhập của người dân nơi đây ngày càng tăng. Tuy nhiên, thị trường này chưa được khai thác tốt. Có thể nhận thấy, thời gian qua, các hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn đã thu hút đông đảo người dân. Chị Nguyễn Vân Anh, công nhân một công ty ở phường Thới Hòa, TX.Bến Cát chia sẻ, khi có hội chợ hàng Việt chị tranh thủ đến mua hàng, vì hàng sản xuất trong nước có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt.

Theo đại diện nhiều DN, khó khăn lớn nhất của họ hiện nay là nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn về nông thôn, với giá rất rẻ, gây khó khăn cho DN trong nước. Ghi nhận cho thấy, hiện nay nhu cầu mua sắm của người dân khu vực vùng nông thôn trong tỉnh rất lớn. Tuy vậy, dù phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng các chợ nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa tại khu vực nông thôn trong tỉnh vẫn còn bộc lộ những bất cập, nguyên nhân chủ yếu là do cách làm ăn manh mún, thiếu vốn, nguồn nhân lực hạn chế…

Chậm chân sẽ thua

Các chuyên gia cho rằng, DN trong nước cần thay đổi nhận thức về hội nhập và cạnh tranh để tận dụng cơ hội đem lại lợi ích nhiều hơn. Cùng với đó, các DN cần đưa ra chiến lược phát triển phù hợp và xem đây là thị trường chủ chốt cho tăng trưởng. Theo đó, DN cần có sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, khẩu vị, thói quen của người tiêu dùng; giá hàng hóa bán ra phù hợp với thu nhập và khả năng chi trả của khách hàng… Về phía DN, nhiều chủ DN đề nghị địa phương cần tạo điều kiện khuyến khích các DN lớn hợp tác với các nhà phân phối nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị bán lẻ quốc gia để DN mạnh dạn mở rộng thị trường về khu vực nông thôn.

Đối với ngành công thương của tỉnh, đã phối hợp với các ngành chức năng và địa phương hình thành các chuỗi cung ứng hoàn thiện từ sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt. Tới đây, ngành công thương sẽ đẩy mạnh và quản trị tốt chuỗi giá trị, trợ giúp đắc lực cho công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, quản lý chất lượng hàng hóa, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm… Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong nước tham gia vào thị trường bán lẻ khu vực nông thôn một cách hiệu quả nhất.

Tại Hội thảo Vai trò của cơ quan quản lý và DN trong phát triển thương mại, dịch vụ do Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, để các DN Việt Nam có đủ năng lực làm chủ thị trường, phát huy tiềm năng, lợi thế của thương mại nội địa, các cơ quan chức năng, địa phương cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố, phát triển các tổng công ty, tập đoàn kinh doanh thương mại có quy mô lớn để đóng vai trò dẫn dắt thị trường; tiếp tục phát triển các cơ sở kinh doanh thương mại hoặc dịch vụ phụ trợ phục vụ thương mại khác theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp nằm ở ngoại vi các đô thị. Bên cạnh đó, các DN cần khai thác thị trường nông thôn bằng việc xây dựng các cửa hàng tiện lợi, bởi đây là thị trường rất nhiều tiềm năng.

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên