Thị trường nông thôn: Hàng Việt dần “phủ sóng”

Cập nhật: 03-11-2020 | 07:48:36

Những năm qua, Bình Dương đã đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh quảng bá sản phẩm, dịch vụ; đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng kênh tiêu thụ, tiếp tục góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong lựa chọn tiêu dùng hàng Việt.

 Người dân mua sắm sản phẩm Việt tại phiên chợ tổ chức ở khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TX.Bến Cát

 Tương tác hai chiều

Tại xã An Tây, TX.Bến Cát, không khó để chúng tôi tìm thấy các điểm bán hàng xuất xứ Việt Nam, với đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép, mỹ phẩm đến nhu yếu phẩm. Đến chợ An Tây và các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, các mặt hàng phong phú và khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả phù hợp. Theo chia sẻ của tiểu thương quầy 69 chợ An Tây, những năm gần đây, nhu cầu mua và sử dụng hàng Việt Nam của người dân ngày càng tăng. Do vậy, thay vì bán các mặt hàng nhập ngoại, tiểu thương trong chợ chuyển sang bán hàng do Việt Nam sản xuất.

Về phía người dân, do được tiếp cận nhiều sản phẩm Việt chất lượng, nhiều người lựa chọn, tin dùng các mặt hàng do Việt Nam sản xuất. Bà Nguyễn Thị Bảy, ấp An Thuận, phường An Phú, TP.Thuận An chia sẻ, năm trước, nhờ được tặng hàng khuyến mại nước mắm Việt Hải để dùng thử, lại được tuyên truyền vận động dùng hàng Việt nên bà ngày càng nhận ra hàng Việt có nhiều ưu điểm. “Tôi chọn sản phẩm bình dân thôi nhưng chất lượng và thông tin rõ ràng trên sản phẩm. Giờ hàng hóa giả mạo, ăn theo nhãn hiệu nổi tiếng rất nhiều nên những chuyến hàng Việt đã giúp người dân được hiểu biết thêm về sản phẩm sản xuất trong nước, đồng thời tạo sự an tâm cho người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Bảy cho biết.

Với DN, các phiên chợ hàng Việt về vùng nông thôn, vùng xa không chỉ giúp họ quảng bá, giới thiệu và tiếp cận thị trường mà còn là cơ hội nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, sức mua của người dân khu vực nông thôn, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp hơn. Ông Vũ Nhật Nam, Giám đốc Công ty dược Vũ Nhật Nam, cho biết vài năm gần đây, đơn vị đã có được khách hàng đông đảo cũng nhờ vào thị trường nông thôn. Ông Nam cho rằng, muốn có được đa dạng thành phần khách hàng, việc đầu tiên là phải có sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, thói quen tiêu dùng. Ngoài chính sách định giá phù hợp thu nhập và khả năng thanh toán, DN cần tham gia các chương trình để mở rộng thị trường. Theo ông Nam, các phiên chợ là sự bổ sung, lấp đầy thị trường, giúp công ty củng cố và mở rộng thị trường một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Nâng cao chất lượng phục vụ

Đánh giá của Sở Công thương cho thấy, những năm gần đây các mặt hàng sản xuất tại địa bàn tỉnh như Vinamit, trứng Ba Huân, sơn mài Tư Bốn, mây tre lá Thành Lộc… được người dân tin dùng và đánh giá cao về chất lượng. Để người dân có điều kiện tiếp cận và ngày càng tin dùng hàng Việt, các sở, ngành, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của việc sử dụng hàng Việt đến mọi tầng lớp nhân dân, thường xuyên tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu cụm công nghiệp, phiên chợ vui... Bên cạnh đó, lực lượng chức năng như quản lý thị trường, công an cũng đã tăng cường công tác ngăn chặn, chống kinh doanh hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng (NTD), đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Chưa dừng lại ở đó, Bình Dương cũng đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, tạo thuận lợi cho việc mua sắm, kinh doanh của người dân, nhất là vùng nông thôn. Tính đến nay, toàn tỉnh có 106 chợ, trong đó có 70 chợ ở khu vực đô thị, chiếm 66,03%, 36 chợ ở nông thôn, chiếm 33,7%. Ngoài ra, còn có 270 cửa hàng tiện ích và hàng chục ngàn hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Hệ thống phân phối rộng khắp đã hỗ trợ tiêu thụ rất mạnh mẽ cho hàng Việt.

Các nhà bán lẻ triển khai hoạt động xúc tiến thương mại về vùng nông thôn đã khai thác nguồn hàng đa dạng, phong phú, trong đó ưu tiên lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước để cung ứng tới NTD. Hiện tại, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ cao hơn 90%. Ngoài ra, DN cũng tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá khi mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng Việt Nam… Ngoài ra, các DN còn tự tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Khi NTD nâng cao nhận thức trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, thì các DN cũng chú trọng sản xuất các sản phẩm chất lượng để phục vụ, cung cấp các sản phẩm Việt có chất lượng.

Có thể nói, không chỉ người dân thành thị mà NTD nông thôn luôn sẵn sàng, tìm kiếm sản phẩm uy tín để mua sắm. “Vì vậy, các DN cần tiếp tục tập trung vào việc đẩy mạnh các sản phẩm phổ thông đến vùng nông thôn. Đây là một trong những kênh tiêu thụ quan trọng trong việc phân phối, đưa hàng Việt trực tiếp đến NTD, phát triển thị trường trong nước”, bà Phan Thị Khánh Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghiệp, Sở Công thương nói.

 THANH HỒNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên