Thổi luồng gió mới, thúc đẩy kinh tế phát triển, bảo đảm an sinh xã hội

Cập nhật: 11-04-2020 | 06:01:54

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Chính phủ với các địa phương ngày 10-4, về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch bệnh Covid-19 tới các mặt của kinh tế - xã hội (KT-XH) gồm: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD); thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết vấn đề an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.

 Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực duy trì sản xuất trong thời điểm dịch bệnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương. Ảnh: TIỂU MY

 Hội nghị “4 trong 1”

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SXKD; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trên tinh thần mọi cấp, mọi ngành, mọi người dân, doanh nghiệp đều cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời nỗ lực duy trì, phát triển SXKD, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm các thành phần yếu thế của xã hội có cuộc sống tối thiểu cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh.

Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề khó khăn đặt ra cấp bách đối với nước ta thời gian tới rất hệ trọng, mang tính sống còn với khu vực SXKD và phần lớn các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động KT-XH bình thường và thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển SXKD, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lớn về KT-XH, kể cả bất ổn xã hội. Do đó, hội nghị lần này được coi là hội nghị “4 trong 1” hay có thể gọi là “tất cả trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh Covid-19; đồng thời nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là cao nhất khu vực trong quý I-2020 (3,82%) nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. Dịch Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng toàn diện đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho biết, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... Dự báo trong tháng 4, tháng 5 dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.

Quyết liệt triển khai các giải pháp

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước tiếp tục tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển KT-XH. Đồng thời, thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 đã đề ra theo kết luận của Trung ương và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Theo đó, về chính sách tài khóa, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết gói hỗ trợ gia hạn thuế và tiền thuê đất được tăng từ hơn 80.000 tỷ đồng như dự kiến trước đó lên tới trên 180.000 tỷ đồng, đồng thời mở rộng quy mô về đối tượng doanh nghiệp, tổ chức được hưởng ưu đãi. Ước tính, có tới 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động SXKD trong cả nước được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất. Vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách làm, quyết liệt hơn, đó là cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tinh thần chung là càng khó khăn, càng tập trung cải cách, hoàn thiện các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo mọi thuận lợi, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Về gói hỗ trợ tiền tệ, hiện đã nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển SXKD.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng nhất để bù đắp phần thiếu hụt tăng trưởng do tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm. “Số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Cơ quan nào, bộ, ngành, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu trực tiếp kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn sang các đơn vị khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 6 nhóm khác nhau trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng. Vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện ở ngay địa phương, kịp thời, đến tận tay người bị thiệt hại. Để bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh khó khăn, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và tất cả các địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể, đặc biệt là nạn trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp, làn sóng di cư lao động, người dân trở lại khu vực nông thôn, hành vi đầu cơ nâng giá, đồng thời có các biện pháp trấn áp các hành vi chống phá của thế lực thù địch, lợi dụng tình hình khó khăn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thường xuyên đánh giá, kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nhất là các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm, các tỉnh, thành phố lớn, các bộ liên quan trực tiếp, đặc biệt là về giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho SXKD; quan tâm đến tình hình SXKD của tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung, phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân; có các giải pháp thúc đẩy đầu tư xã hội, đầu tư khu vực tư nhân theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tận dụng cơ hội thu hút các luồng vốn đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa, chủ động các giải pháp để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi SXKD sau dịch bệnh theo hướng hiệu quả, an toàn, bền vững. Quyết tâm thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn, vươn lên mạnh mẽ. Mọi cấp, mọi ngành, mọi cá nhân, doanh nghiệp đều phải cố gắng, vươn lên, thúc đẩy phát triển để nền kinh tế không bị đổ gãy, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành phần yếu thế trong xã hội. Tình hình trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội sẽ tới và với quyết tâm của Chính phủ, sự đồng lòng của cả nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn, vươn lên.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên