Thông qua 197 ứng viên ở khối Trung ương để bầu đại biểu Quốc hội

Cập nhật: 14-04-2016 | 19:55:08

Các đại biểu Hậu Giang biểu quyết thông qua danh sách người ứng cử. (Ảnh minh họa. Xuân Dự/TTXVN)

Ngày 14-4, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Hội nghị này là hội nghị cuối cùng để Mặt trận hiệp thương giới thiệu danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Góp phần vào thành công của công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia, cho biết để chuẩn bị Hội nghị Hiệp thương lần ba, hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nỗ lực triển khai các hoạt động với mong muốn góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử.

Ở Trung ương, ngay sau Hội nghị Hiệp thương lần hai, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã gửi danh sách và tiểu sử tóm tắt của 197 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV đến các địa phương để tổ chức Hội nghị cử tri nơi cư trú, nhận xét và biểu thị sự tín nhiệm đối với người ứng cử.

Từ 22/3-12/4, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã đã phối hợp ủy ban nhân dân cùng cấp, nơi có người ứng cử cư trú để triệu tập, chủ trì lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú cho 197 người được giới thiệu ứng cử tại 109 xã, phường, thị trấn thuộc 24 tỉnh, thành phố thuộc trung ương. Đến ngày 12/4, tất cả 24 tỉnh, thành phố hoàn thành việc lấy ý kiến của cử tri đối với 197 người được cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu.

Liên quan đến trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc tại Hội nghị Hiệp thương lần ba, ngày 10/4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng bầu cử Quốc gia các tỉnh, thành ủy, Ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố và Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố để phối hợp đảm bảo thông tin cần thiết về người ứng cử làm cơ sở cho việc đánh giá, sự đáp ứng các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân góp phần vào thành công Hiệp thương lần thứ ba chất lượng, đảm bảo quy định.

Bên cạnh đó, để góp phần tiến trình thực hiện các bước trong quá trình bầu cử diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáu đoàn giám sát bầu cử tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, để đánh giá tình hình, góp phần chỉ đạo địa phương những nội dung cần thiết liên quan đến vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác bầu cử.

Như vậy, trong gần một tháng, khối lượng lớn công việc đã được triển khai với tinh thần khẩn trương, tích cực. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng bầu cử Quốc gia, các cơ quan tổ chức có liên quan tại Trung ương và địa phương trong việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba - ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Báo cáo về tình hình và kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi công tác và nơi cư trú đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV cho thấy các hội nghị cử tri nơi công tác được tiến hành dân chủ, thành phần, số lượng cử tri tham dự đúng quy định. Hội nghị có số lượng cử tri tham dự có số lượng ít nhất là 54 người, hội nghị có số lượng cử tri đông nhất là 151 người.

Kết quả có 192 người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 100%, năm người được cử tri nơi công tác tín nhiệm 97,6% đến 99,3%. 197 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV không có các vấn đề, vụ việc cử tri nơi cư trú nêu cần phải xác minh.

Về việc tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tính đến ngày 13/4, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được ba đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến năm người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ở Trung ương. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã xem xét, xử lý theo pháp luật: bốn trường hợp đã gửi đến Hội đồng bầu cử Quốc gia để giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho người gửi đơn; một trường hợp đã gửi cơ quan có trách nhiệm xác minh và đã có kết quả trả lời là phản ánh của cử tri không có căn cứ - vụ việc đã được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng ý danh sách 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội tại Trung ương

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia Tòng Thị Phóng cho biết ngày 13/4, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã họp để phân công các đồng chí sau khi kiện toàn Quốc hội và Hội đồng bầu cử Quốc gia. Với tinh thần, trách nhiệm thẳng thắn, chân thành Hội đồng bầu cử Quốc gia đã thảo luận các nội dung, chương trình công tác từ nay đến bầu cử.

Tới đây, theo Luật, chậm nhất ngày 17/4, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có hồ sơ gửi sang Hội đồng bầu cử Quốc gia để công bố danh sách; ngày 26/4 sẽ công bố danh sách... Mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử đã được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy trình.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ để chuẩn bị phân bổ trên địa bàn, các đơn vị bầu cử phải đảm bảo đúng tiêu chí: giữ vững ổn định; không tập trung các lãnh đạo cao cấp một chỗ; phải phân bố đồng đều các Ủy viên Trung ương Đảng, các lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ.

Đây là công việc phải được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch. Sau hội nghị hiệp thương lần ba, Hội đồng bầu cử Quốc gia phải niêm yết công bố danh sách theo từng đơn vị, rà soát danh sách cho chính xác, nhất là các chức danh được kiện toàn sau khi Quốc hội đã họp, các đơn vị cũng đã bầu. Đây là vấn đề rất cần thiết trong công tác bầu cử.

Đối với việc chỉ đạo tiếp xúc cử tri, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh đây là nội dung quan trọng thuộc trách nhiệm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cần tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri đảm bảo bình đẳng, công khai, minh bạch giữa các cử tri trong quá trình tiếp xúc. Tại đây, các ứng cử viên phải trình bày được quá trình hoạt động của mình nếu trúng cử. Hội đồng bầu cử Quốc gia đã phân công công việc kiểm tra đợt hai, đợt ba của công tác bầu cử. Theo đó, các đồng chí thành viên phải tập trung tiến hành kiểm tra một cách cụ thể, góp phần tháo gỡ khó khăn trên địa bàn.

Kết thúc Hội nghị hiệp thương lần ba, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách 197 người ở khối Trung ương để bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV. Trong đó, đáng chú ý, với trường hợp ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, vì còn một số ý kiến khác nhau nên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải biểu quyết riêng. Lý do khiến một số ý kiến băn khoăn là do ông Lê Thanh Vân được Ban Bí thư chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhưng tại Đại hội Đảng bộ tỉnh vừa qua, ông Vân chỉ trúng vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, không trúng vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kết quả, chỉ có năm người không đồng ý đưa ông Lê Thanh Vân vào danh sách để bầu cử đại biểu Quốc hội.

Như vậy, tại Hội nghị hiệp thương lần ba, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách 197 người ở khối Trung ương để bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (27/4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21/5).

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương và các tổ chức thành viên của Mặt trận phối hợp với các cơ quan chức năng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về bầu cử, tổ chức đa dạng các hình thức phù hợp, góp phần làm cho nhân dân, cử tri hiểu đúng, đầy đủ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong ngày bầu cử; tiếp tục triển khai công tác giám sát cuộc bầu cử theo chức năng, nhiệm vụ của mình quy định tại Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và kế hoạch về giám sát đã ban hành; phối hợp với chính quyền và Ủy ban bầu cử cùng cấp chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết, bảo đảm dân chủ, đúng luật, tiết kiệm và an toàn trong ngày bầu cử.

Kết thúc cuộc bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo công tác Mặt trận tham gia cuộc bầu cử ở cả ba cấp về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên