Thủ Dầu Một: Những ngày này, năm ấy...

Cập nhật: 24-08-2012 | 00:00:00

Tỉnh Thủ Dầu Một (cũ) là vùng cư dân lớn nhất của Sông Bé ngày nay. Đây là nơi có phong trào cách mạng phát triển sớm, cũng là một trong những nơi đã chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám - mùa thu lịch sử một cách khẩn trương, chu đáo và cùng cả nước vùng lên cướp chính quyền, lật đổ chế độ thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; cùng với cả nước đón chào Quốc khánh 2-9, ngày lịch sử vẻ vang của dân tộc.  Ngày ấy, Chiến khu Đ là căn cứ địa của chiến khu 7, một tổ chức hành chính - quân sự của các tỉnh Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định, Chợ Lớn, Bà Rịa và thành phố Sài Gòn

Để có sự vùng lên cướp chính quyền một cách đều khắp và mạnh mẽ, giành chắc phần thắng, tháng 3-1945, Tỉnh ủy lâm thời đã triệu tập cuộc họp bất thường tại Chánh Hiệp. Trong hội nghị này, Tỉnh ủy đã đề ra nhiệm vụ cấp bách là phải thành lập các đội tự vệ ở cả nông thôn và thành thị, đặc biệt là ở thị xã, thị trấn và các đồn điền cao su. Tỉnh ủy cũng khẩn trương trang bị vũ khí cho các đội tự vệ để đủ sức chiến đấu với kẻ thù. Các đoàn thể cứu quốc cũng được tập hợp lại trong mặt trận Việt Minh, có sự lãnh đạo của Đảng.

Do sự lãnh đạo kịp thời và sát sao của Tỉnh ủy, tháng 7-1945, đội tự vệ lò chén ở Phú Cường, các đội thanh niên tiền phong ở Phú Hòa, Chánh Hiệp, các đội tự vệ ở các vùng Hớn Quản, Chơn Thành, Lộc Ninh... đã hoạt động mạnh. Họ đã tấn công quân Nhật, cướp vũ khí của chúng để trang bị cho mình. Các dân tộc Tà Mun, Khơme, Stiêng, Mơ Nông... cũng đã tham gia phong trào cách mạng nhiệt tình và đều khắp. Họ không nghe theo bọn thống trị và tự vùng lên làm chủ lấy buôn sóc và cùng dân tộc Kinh chuẩn bị cướp chính quyền.

Do tình hình thế giới và trong nước phát triển thuận lợi, đêm 13-8, Đảng đã triệu tập hội nghị toàn quốc ở Tân Trào và thành lập Ủy ban khởi nghĩa, đồng thời hạ lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Dịp này, Ủy ban dân tộc giải phóng (Chính phủ Cách mạng lâm thời) được thành lập, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ở Nam kỳ, ngày 23-8-1945, Xứ ủy Nam kỳ họp quyết định ngày 25-8-1945 là ngày vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam kỳ. Ở tỉnh Thủ Dầu Một, phong trào quần chúng và các đội tự vệ đã lớn mạnh, không khí khởi nghĩa bao trùm lên các làng mạc, thôn xóm, phố phường.

Tỉnh ủy đã triệu tập hội nghị mở rộng ở ấp Bưng Cải (Hiệp Thành) vào ngày 20-8 để thành lập Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và cử đồng chí Văn Công Khai (Bí thư Tỉnh ủy lâm thời) làm Chủ tịch. Về quân sự, Ban Quân sự tỉnh cũng được thành lập và đồng chí Nguyễn Văn Chi được cử làm trưởng ban. Ngày khởi nghĩa cũng được hội nghị nhất trí là ngày 25-8-1945 (như quyết định của Xứ ủy Nam kỳ).

Để cuộc khởi nghĩa nổi dậy đều khắp và thống nhất, sáng ngày 24-8, Tỉnh ủy và Ủy ban khởi nghĩa tỉnh phát lệnh cướp chính quyền trong toàn tỉnh. Đêm 24 rạng ngày 25-8, quần chúng ở Châu Thành, Lái Thiêu, Bến Cát, vùng ngoại ô kéo về kết hợp với quần chúng nội thị cướp chính quyền ở tỉnh lỵ Thủ Dầu Một. (Còn tiếp)

B.T (tổng hơp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên