Thu hút các nhà đầu tư từ ASEAN

Cập nhật: 28-07-2015 | 08:04:34

Ngày này cách đây 20 năm (28-7-1995), Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Dự kiến, đầu năm 2016, ASEAN sẽ tiến thêm một bước mới là thành lập thị trường chung ASEAN. Đây vừa là cơ hội và cũng là thách thức lớn của các doanh nghiệp (DN) trên con đường chinh phục thị trường, hội nhập và phát triển.

 Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, công trình hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Singapore

 Singapore dẫn đầu ASEAN đầu tư vào Việt Nam

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho thấy, đến ngày 20-6-2015, có 2.632 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) thuộc ASEAN đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 54,6 tỷ đô la Mỹ. Bình quân 1 dự án có vốn đầu tư khoảng 20,7 triệu đô la Mỹ, cao hơn so với bình quân 1 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (bình quân 13,9 triệu đô la Mỹ). Vốn FDI từ ASEAN tại Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đăng ký 22,2 tỷ đô la Mỹ. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 97 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 16,6 tỷ đô la Mỹ. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với 175 dự án, tổng vốn đầu tư 3,24 tỷ đô la Mỹ.

Hiện đã có 55/63 tỉnh, thành trên cả nước thu hút vốn FDI từ các nước trong ASEAN. Dẫn đầu là TP.Hồ Chí Minh, tiếp đến là Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương. Các dự án FDI từ ASEAN đầu tư vào Việt Nam chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.962 dự án, tổng vốn đầu tư 35 tỷ đô la Mỹ, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là hình thức liên doanh với 609 dự án, tổng vốn đầu tư 18 tỷ đô la Mỹ, chiếm 33% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là hình thức công ty cổ phần với 34 dự án, tổng vốn đầu tư 941,3 triệu đô la Mỹ. Số còn lại theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh…

Singapore dẫn đầu các nước trong ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 1.428 dự án, tổng vốn đầu tư 32,2 tỷ đô la Mỹ. Điển hình là Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore. Mô hình này đã trở thành biểu tượng của sự hợp tác hữu nghị và phát triển mà Bình Dương đã được lãnh đạo cấp cao hai nước chọn làm nơi khởi điểm. Tại Bình Dương còn có 2 dự án lớn của Singapore là Khu công nghiệp Mapletree và Khu công nghiệp Asandas Protrate.

Đứng thứ hai đầu tư vào Việt Nam trong ASEAN là Malaysia với 499 dự án, tổng vốn đăng ký 12,06 tỷ đô la Mỹ. Thái Lan đứng thứ 3 với 392 dự án, tổng vốn đầu tư 6,8 tỷ đô la Mỹ.

Tiến tới thị trường chung

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đến nay các DN từ ASEAN đã đầu tư vào 18/18 ngành nghề trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Việt Nam là một trong 3 nước đạt tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (đạt 84,5%), tích cực đàm phán về các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ và nỗ lực hoàn thành cam kết về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm trong các ngành ưu tiên hội nhập, mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác. Trong năm 2015, trọng tâm của Việt Nam là tích cực cùng các nước trong khối đạt mục tiêu công bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào ngày 31-12-2015. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ cùng các nước đóng góp vào tiến trình xây dựng Tầm nhìn phát triển của ASEAN sau năm 2015 nhằm giúp liên kết ASEAN sâu rộng hơn nữa.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, việc hình thành thị trường chung ASEAN vừa tạo thuận lợi cho công tác mời gọi, thu hút đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có cộng đồng các nhà đầu tư thuộc ASEAN, đồng thời góp phần rất lớn trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của DN trong nước tại thị trường chung của khối.

Cần sự chủ động

“Chủ động hội nhập” và “Hội nhập phải chủ động” là cụm từ thường gặp tại các hội nghị, hội thảo xúc tiến thương mại, giới thiệu thị trường từ nhiều năm qua. Sau 20 năm gia nhập ASEAN, các DN Việt Nam đã tạo được nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước, khu vực và quốc tế. Riêng tại Bình Dương, các DN đã rất nỗ lực để vượt qua các tiêu chuẩn bắt buộc để trở thành thương hiệu quốc gia như: sản phẩm nước giải khát của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, tôn Hoa Sen, gỗ Trường Thành…

Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tôn Đông Á chia sẻ kinh nghiệm, Tôn Đông Á hội nhập tốt thị trường khu vực và quốc tế nhờ bám sát đường lối, chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng. Ban đầu, từ dây chuyền công nghệ của Hàn Quốc, sản phẩm tôn Đông Á xuất khẩu sang một số nước khu vực Đông Dương, sau đó lan tỏa ra các thị trường trong ASEAN như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Từ đó, công ty tiếp tục chuyển đổi sang công nghệ châu Âu với các phần mềm quản lý tiên tiến, giúp sản phẩm của DN có đủ điều kiện tham gia các thị trường khó tính hơn ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...

Bên cạnh sự thuận lợi trong quá trình hội nhập, việc tiến tới thị trường chung ASEAN cũng đặt ra nhiều thách thức cho các nhà DN; có thể thấy rõ qua các thương vụ M&B (mua và bán) với các thương hiệu lớn gần đây như: Metro Việt Nam, Nguyễn Kim, Kinh Đô… Lãnh đạo một ngành chuyên môn của tỉnh đã trăn trở trước câu hỏi “Ai mua các DN đó và mua để làm gì”? Rồi vị này tự trả lời: Cách nay 1 năm, một DN vốn FDI đã từng gây sóng gió trên thị trường thức ăn chăn nuôi và gia súc, gia cầm nhờ họ đã thực hiện “lộ trình” M&B khá hoàn hảo từ việc mua lại thị phần chăn nuôi của nhà đầu tư Trung Quốc. Sau đó, DN này đã chiếm lĩnh hầu như cả đầu vào lẫn đầu ra của thị trường này rồi chủ động quyết định giá, khiến người chăn nuôi trong nước lao đao vì “trúng mùa nhưng mất giá” .

Tới đây khi ASEAN trở thành thị trường chung thì những ông chủ mới của các thương vụ vừa nêu sẽ có toàn quyền quyết định nhà phân phối, nhà cung cấp và sẽ có không ít nhà sản xuất, nhà cung cấp trong nước bị mất khách hàng hoặc phải chấp nhận gia công theo đơn đặt hàng, nếu không có sự chủ động từ xa.

DUY CHÍ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
ASEAN

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên