Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Bình Dương tiếp tục tạo dấu ấn

Cập nhật: 19-11-2018 | 08:15:18

Từ đầu năm đến nay, Bình Dương đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với hơn 1,3 tỷ USD, đạt 95,6% kế hoạch năm 2018, tiếp tục đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút vốn FDI.

 Thu hút đầu tư đúng định hướng

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay tổng vốn FDI vào tỉnh đạt 1,339 tỷ USD. Trong số này có 135 dự án mới với tổng vốn đầu tư 649,5 triệu USD, 86 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 420,1 triệu USD, 96 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn 269,2 triệu USD. Có 28 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 217,5 triệu USD, lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đứng vị trí thứ 2 với 189,5 triệu USD, Hà Lan đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký 144,87 USD.

 Bình Dương tiếp tục thu hút đầu tư đúng định hướng. Trong ảnh: Sản xuất giày da tại Công ty giày Đông Hưng. Ảnh: K.VINH

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 114 dự án đầu tư đăng ký mới, 83 lượt dự án điều chỉnh vốn và 65 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần; tổng số vốn đầu tư là 1,127 tỷ USD, chiếm 84,2% tổng vốn FDI đăng ký vào tỉnh trong 10 tháng năm 2018. Đứng thứ 2 là lĩnh vực thương mại - dịch vụ, với tổng vốn đăng ký 210,8 triệu USD, chiếm 15,75% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào tỉnh.

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng năm 2018, tổng vốn FDI vào nước ta đạt 27,9 tỷ USD. Tính đến ngày 20-10-2018, ước tính các dự án FDI đã giải ngân 15,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Theo lĩnh vực, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều vốn nhất với 13,2 tỷ USD; lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ USD; đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,3 tỷ USD.

Thực hiện Kế hoạch số 96/ KH-UBND ngày 10-1-2018 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2018 của Chính phủ nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng ổn định, chất lượng và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp, từ đầu năm đến nay hầu hết các dự án FDI vào tỉnh được bố trí vào các khu công nghiệp, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đối với những dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là các dự án hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Số dự án sản xuất công nghiệp còn lại phần lớn được bố trí vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục nâng chất vốn FDI

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2069/UBND-KTN ngày 18-5- 2018 về việc tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Thông báo số 74/ TB-SKHĐT ngày 28-5-2018 gửi các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và dán thông báo tại Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ của sở. Theo đó, tỉnh khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng thu gom, xử lý nước thải hoàn chỉnh; không tiếp nhận hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư và hồ sơ đề nghị chấp thuận địa điểm thực hiện dự án đầu tư đối với những dự án nằm trong Danh mục các ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm đầu tư vào các khu vực có nguy cơ ô nhiễm, sự cố môi trường và những khu vực chưa có hạ tầng thoát nước trên địa bàn tỉnh.

Tính đến nay, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội) về thu hút vốn FDI, với 3.434 dự án, tổng vốn đăng ký 31,4 tỷ USD; quy mô trung bình 1 dự án khoảng 9,1 triệu USD. Trong số các dự án FDI, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút 2.098 dự án, tổng vốn đầu tư 21 tỷ USD. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) có vốn đầu tư đăng ký nhiều nhất trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Bình Dương, với 812 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 5,15 tỷ USD; đứng thứ 2 là Nhật Bản với 289 dự án, tổng số vốn đăng ký hơn 4,95 tỷ USD; Singapore đứng thứ 3 với 229 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 4,11 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ 4 với 711 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 2,95 tỷ USD.

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết vốn FDI hiện là nguồn vốn quan trọng, là động lực cho sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Chỉ tính trong năm 2017, khu vực FDI đóng góp 48,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên 82,8% kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh.

Theo UBND tỉnh, trong thời gian tới Bình Dương tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp gắn với thực hiện hiệu quả chương trình “Đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016- 2020”. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung thu hút FDI vào ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; thu hút các dự án vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch… Tỉnh đã xác định sẽ thu hút đầu tư phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu; ưu tiên các dự án sản xuất công nghệ cao, các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, các dự án có giá trị gia tăng cao, nguy cơ gây ô nhiễm thấp và khả năng đóng góp lớn cho ngân sách. Bình Dương cũng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; bổ sung, hoàn thiện quy hoạch, đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất sạch; thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao làm tiền đề cho phát triển công nghiệp...

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên