Thu nhập cao từ những mô hình nông nghiệp đô thị

Cập nhật: 13-12-2017 | 08:40:15

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay toàn tỉnh có diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị (NNĐT) khoảng 143,96 ha, với các loại cây trồng chủ yếu như rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh... Các mô hình NNĐT mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong tỉnh.

 Mô hình trồng lan rừng đã mang lại thu nhập cao cho anh Đoàn Lai Uyên Ảnh: HOÀNG PHẠM

Thu nhập ổn định

Những ngày cuối năm 2017, chúng tôi có dịp ghé thăm trang trại trồng hoa lan rừng của anh Đoàn Lai Uyên (huyện Bàu Bàng). Trang trại lan rộng gần 1.000m2, có gần 1.000 giò lan với nhiều loại lan đẹp, quý như dã hạc, nghinh xuân, hài mốc hồng, hài thân tím, phi điệp vàng… đang được anh chăm sóc cẩn thận để phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 và nhu cầu chơi lan rừng của khách hàng trong cả nước. Anh Uyên cho biết, so với các loại hoa lan trồng theo kiểu công nghiệp như Mokara, Dendro, Hồ điệp… thì lan rừng phải chăm sóc công phu hơn, thời gian ra hoa lâu hơn.

Thực hiện chủ trương của UBND huyện Bàu Bàng trong việc đẩy mạnh phát triển NNĐT, nông nghiệp kỹ thuật cao, anh Uyên đã mạnh dạn mở rộng vườn lan từ 500m2 ban đầu lên 1.000m2. Hiện nay, giá hoa lan anh bán trung bình từ 200.000 - 400.000 đồng/giò; những loại lan quý, độc đáo giá bán từ 1 - 2 triệu đồng/giò. Trung bình mỗi năm, anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ngoài hoa lan, anh Uyên còn thành công trong việc nhân giống lan rừng từ phương pháp cấy mô trong phòng thí nghiệm và triển khai nhân giống đinh lăng, chuối, nấm linh chi. Nguồn thu từ việc cung cấp giống lan rừng và phôi giống cho anh thu lãi gần 150 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Huyện ủy Bàu Bàng cho biết, ngoài các mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao theo quy mô trang trại, hiện nay trên địa bàn huyện, các mô hình NNĐT phát triển mạnh, có nhiều mô hình cho nguồn thu cao và ổn định. Ngoài mô hình trồng hoa lan của anh Đoàn Lai Uyên, còn có mô hình trồng nấm của Tổ hợp tác trồng nấm xã Lai Hưng, mô hình trồng ớt lấy hạt giống trong chậu của anh Huỳnh Đoàn Thông ở xã Lai Uyên… Các mô hình này cho thu nhập trung bình hàng năm từ 100 - 300 triệu đồng.

Tại TP.Thủ Dầu Một, mô hình trồng lan Mokara, Dendro, Hồ điệp, Cattleya… được nhiều hộ gia đình lựa chọn vì đây là loại hoa dễ trồng, không cần diện tích lớn và cho thu hoạch quanh năm. Ông Lê Văn Đạt, chủ vườn lan ở phường Định Hòa cho biết, tận dụng gần 1.000m2 đất trong khuôn viên nhà và công nhàn rỗi trong gia đình, ông đã trồng và chăm sóc lan; sau khi trừ chi phí mỗi tháng ông có lãi khoảng 12 triệu đồng. “Vốn đầu tư ban đầu cho vườn lan khá cao, với 1.000m2 tôi đã đầu tư 70 triệu đồng. Tuy nhiên, khi vườn lan vào thu hoạch và có đầu ra ổn định, tôi có thể thu lãi từ 10 - 13 triệu đồng/tháng; vào thời điểm lễ, tết thì có lãi cao hơn. Nếu hoa lan được giá, trung bình mỗi năm hoa lan cho gia đình tôi thu lãi gần 500 triệu đồng”, ông Đạt chia sẻ.

Đòn bẩy chính sách

Năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về “Những giải pháp, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012-2015”. Quyết định này đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp cho Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh theo hình thức ủy thác cho vay.

Tiếp đó, với Quyết định 04/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh về “Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng NNĐT - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020” (gọi tắt là Quyết định 04), các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất NNĐT có điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi, chu kỳ vay kéo dài đến 60 tháng. Tính đến nay, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã thẩm định 58 phương án sản xuất, thông báo cho vay 41 phương án đủ điều kiện với số tiền được duyệt 228 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bàu Bàng cho rằng, với Quyết định 04, các hộ dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để đầu tư cho sản xuất NNĐT, nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai hình thức vốn vay có thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay, vay bằng tín chấp, vay theo dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả… và huy động, sử dụng các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Vì người nghèo…

Có thể nói, qua những chương trình, chính sách của Trung ương và của tỉnh là đòn bẩy giúp NNĐT trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh. Đồng thời, phát triển NNĐT còn có vai trò quan trọng đối với phát triển đô thị của tỉnh thông qua cải thiện cảnh quan đô thị, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tại chỗ cho người dân đô thị, bảo đảm sức khỏe của người dân…

 HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên