Thư pháp, nét đẹp văn hóa ngày xuân

Cập nhật: 23-02-2018 | 08:53:52
Thư pháp, bộ môn nghệ thuật ẩn chứa nhiều ý nghĩa cuộc sống. Tục xin chữ - cho chữ được thể hiện qua nghệ thuật thư pháp đã trở thành nét đẹp văn hóa lưu truyền qua nhiều thế hệ vào mỗi dịp tết đến xuân về…
Thư pháp xuất hiện trong văn hóa Việt Nam từ lâu đời, trải qua bao thăng trầm cùng thời gian, bộ môn nghệ thuật này vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Những ngày xuân, bên cạnh các hoạt động văn hóa nghệ thuật, ở một góc phố, sân chùa nào đó, hình ảnh ông đồ cùng nghiên bút, giấy mực đã níu giữ tâm hồn người du xuân.

Hoạt động thư pháp tại Đường hoa xuân Bình Dương 2018

Trong suốt những ngày diễn ra đường hoa xuân Bình Dương tại khu vực công viên thành phố mới, hình ảnh ông đồ trẻ Lưu Ngọc Thịnh trong chiếc áo dài khăn đóng đã thu hút rất nhiều người mến mộ ghé xem và xin chữ. Từ những người trung niên, đến các bạn trẻ và cả các em nhỏ ghé gian hàng của anh đều say mê theo những con chữ được anh thể hiện qua nghệ thuật thư pháp. Những con chữ ấy như đang uốn lượn, uyển chuyển, cuốn hút bao ánh mắt người xem. “Ngày đầu năm mới, người ta đi du xuân, họ muốn mang về nhà một câu chữ ý nghĩa mà họ tâm đắc với mong muốn năm mới mọi điều tốt lành, thuận lợi. Ngoài xin chữ cho mình, nhiều người còn xin chữ để tặng cho cha mẹ, anh chị em, bạn bè… nhằm gửi gắm những lời chúc may mắn cho người nhận. Thư pháp còn là một môn nghệ thuật trang trí. Ngày tết, treo những bức thư pháp với những câu, chữ ý nghĩa sẽ làm đẹp thêm căn nhà của mình. Mỗi ngày, mình viết chữ cho khoảng 200 - 300 khách; trong đó đa số là giới trẻ, trung niên cũng có nhưng ít hơn…”, ông đồ Ngọc Thịnh chia sẻ.

Ở một góc nhỏ trong khuôn viên chùa Hội Khánh, từ chiều mùng 1 tết, ông đồ Nguyễn Minh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thư pháp Bình Dương cũng bày nghiên bút, giấy mực ra phục vụ người đến lễ chùa ghé xin chữ. Minh Đức cho biết: “Có nhiều người, hầu như năm nào cũng ghé góc nhỏ này để xin chữ mang về nhà. Càng ngày, mình thấy người dân tiếp cận với nghệ thuật thư pháp càng nhiều hơn, trong đó đa số vẫn là giới trẻ đến xin chữ…”.

Tại hội hoa xuân trong khuôn viên Trung tâm Điện ảnh - Văn hóa tỉnh, gian hàng thư pháp của ông đồ Võ Thanh Sang (thư pháp Sang Gia Bảo) là điểm thu hút rất nhiều người du xuân. Anh cho biết, đây là năm thứ 2 anh tham gia hoạt động cho chữ ngày xuân. “Khách đến xin chữ thường họ rất quý con chữ, họ xin những chữ mà họ rất trân trọng. Nhiều người xin chữ “Bình an” để mong cho gia đạo năm mới bình an. Những người làm ăn kinh doanh phát đạt, họ thường xin chữ “Phát”. Còn tặng cho cha mẹ thì họ xin chữ “Cha Mẹ”, “Hiếu”, “Thọ”, “Phúc”, “Lộc”… với mong muốn cha mẹ sống lâu trăm tuổi. Năm nay, anh chị em, cô chú đến tham quan hội hoa xuân đồng thời cũng tham quan gian hàng thư pháp của mình”.

Trong những ngày xuân, bên cạnh những hoạt động vui chơi, ca hát, giới trẻ vẫn nghĩ đến thư pháp, đó là một điều rất đáng mừng. Cuộc sống ngày càng phát triển, người ta tìm đến thư pháp để trải lòng mình qua những con chữ có ý nghĩa. Không chỉ ngắm hoa, ngắm cảnh mà có những câu chữ ý nghĩa mang về nhà vừa có cái để con cháu, các thành viên trong nhà nhìn vào và soi mình, sống tốt hơn, vừa cầu mong mùa xuân được nhiều hạnh phúc, tài lộc. Có dịp ghé thăm những gian hàng thư pháp trong những ngày đầu năm mới, chúng tôi thấy, trên bước đường du xuân dù có rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, thế nhưng các gian hàng viết chữ thư pháp vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ông đồ Thanh Sang chia sẻ: “Nghệ thuật thư pháp bây giờ đa số là viết chữ Việt nên dễ đọc, dễ nhìn. Tuy nhiên, để thu hút được người xem, đòi hỏi mỗi ông đồ phải có những sáng tạo con chữ mới, đổi mới không gian thư pháp. Tùy theo cảm hứng, khi viết mình sẽ có những nét riêng. Ngoài ra, mình còn phải suy nghĩ ra những cách sáng tạo mới vừa để thu hút giới trẻ, vừa tạo cảm hứng cho các bạn. Từ đó, bạn nào đam mê sẽ tự đến với nghệ thuật thư pháp, tìm hiểu về nét đẹp truyền thống của ông cha để lại…”.

Thư pháp với nét đẹp văn hóa “cho chữ - xin chữ” đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần ngày xuân của nhiều người. Trong không khí đổi mới của đất trời ngày xuân, hòa vào dòng người xuôi ngược trên bước đường du xuân, hình ảnh những ông đồ xúng xính trong bộ trang phục áo dài khăn đóng bày nghiên bút, giấy mực phục vụ nhu cầu của người xin chữ ở một góc phố, sân chùa nào đó đã góp phần tạo thêm những điểm nhấn cho ngày xuân thêm phần thú vị. Nét đẹp văn hóa ấy đang được lưu giữ và ngày càng phát triển.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên