Thực hiện đề án “Phát triển thiết bị dạy học tự làm”: Phát huy tính sáng tạo của giáo viên

Cập nhật: 26-11-2014 | 08:41:42

Sau khi Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) triển khai đề án “Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp học mầm non, phổ thông” vào năm 2010, phong trào tự làm thiết bị đồ dùng dạy học (ĐDDH) được các cô giáo ở trường mầm non và phổ thông trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Việc tự làm TBĐDDH đã góp phần cho các tiết học thêm phong phú và tiết kiệm được chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học trong nhà trường.

Vận dụng từ những đồ phế phẩm

Để tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả phong trào làm ĐDDH trong nhà trường, năm 2010, Bộ GD-ĐT đã triển khai xây dựng Đề án “Phát triển thiết bị dạy học tự làm cấp học mầm non, phổ thông”. Cô Nguyễn Từ Phương Loan, giáo viên trường Mầm non Hoa Cúc 5, TX.Thuận An rất chú trọng việc sưu tầm, góp nhặt lại những vật dụng cũ để dùng làm ĐDDH. Các vỏ hộp sữa, hộp bánh, sách báo cũ… đều được cô cẩn thận xếp vào hộp hoặc cho vào túi nilon. Từ những thứ bỏ đi này, cô Loan nghĩ ra những món đồ chơi, ĐDDH bắt mắt nhưng cũng không kém phần hữu ích để phục vụ thiết thực cho việc dạy học và tổ chức các hoạt động vui chơi của trẻ.

Thời gian gần đây, hầu hết giáo viên trong tỉnh đều tìm tòi những vật dụng cũ để làm ĐDDH, vừa tiết kiệm việc mua sắm ĐDDH vừa biến những thứ vô ích trở nên có ích. Kể từ khi vận dụng nội dung thực hành tiết kiệm theo tinh thần cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì phong trào tự làm ĐDDH trong các trường mầm non và phổ thông càng trở nên có ý nghĩa hơn. Cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên trường Tiểu học An Thái (Phú Giáo), vừa đoạt giải A ĐDDH cấp tỉnh năm 2014, chia sẻ: “Chúng tôi tận dụng những tranh ảnh, sách báo và các đồ cũ để làm ĐDDH không chỉ tiết kiệm cho bản thân, cho nhà trường, phụ huynh mà còn chống lãng phí cho toàn xã hội. Thấy các em thích thú với những hình ảnh sống động trong mỗi tiết giảng đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi cố gắng không ngừng sáng tạo ra những ĐDDH hữu ích”.

Hội thi giáo viên tự làm và sử dụng ĐDDH giáo dục tiểu học vòng tỉnh năm 2014

Phát huy tính sáng tạo giáo viên

Ðề án trên của Bộ GD-ĐT được coi là chủ trương cần thiết, nhằm đưa phong trào tự làm ĐDDH trở thành các hoạt động sư phạm thường xuyên trong nhà trường, góp phần tạo ra các ĐDDH tự làm mới, cải tiến, sửa chữa các ĐDDH đã có trong nhà trường, thiết thực hưởng ứng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và phong trào “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học, tự sáng tạo”.

Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Không phải mới đây, mà từ lâu, phong trào tự làm ÐDDH đã mở rộng và phát triển tại nhiều địa phương, trường học. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhận thức của hoạt động tự làm TBDH còn hạn chế. Công việc này cũng làm mất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc của giáo viên, mà nếu không có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với học trò thì sẽ khó có thể lao tâm khổ tứ vì nó. Chưa kể những khó khăn khách quan khác như thiếu kinh phí để mua nguyên vật liệu, độ bền của ĐDDH tự làm chưa cao, khả năng của giáo viên còn hạn chế, chế độ khuyến khích, khen thưởng vẫn chưa hoàn toàn xứng đáng với tâm lực của giáo viên”.

Có thể thấy, đề án “Phát triển thiết bị dạy học tự làm”của Bộ GD-ĐT đã và đang khuyến khích giáo viên tăng cường tự làm ĐDDH, phát huy tính sáng tạo của mỗi giáo viên. Đây cũng là giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc đổi mới phương pháp giáo dục, khắc phục lối dạy cứng nhắc, truyền thụ một chiều. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, làm ĐDDH là để phục vụ tiết học hiệu quả hơn và tiết kiệm phần nào chi phí mua sắm trang thiết bị dạy học, chứ không phải để chạy theo thành tích. Có như vậy, việc thực hiện đề án mới trở nên hiệu quả và không gây áp lực cho giáo viên cũng như gây lãng phí cho các trường.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án “Phát triển thiết bị dạy học tự làm” là 700 tỷ đồng và triển khai từ 2010- 2015, trong đó phần kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tại trường học chiếm phần lớn. Từ năm 2010-2011, Bộ GD - ĐT chọn năm tỉnh, thành phố để tham gia thí điểm, tổng kinh phí chi cho các hoạt động trong giai đoạn này là 80 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tại trường học khoảng 75 tỷ đồng. Giai đoạn 2012-2013, tổ chức tập huấn đại trà tự làm ĐDDH cho 63 tỉnh, thành phố. Kinh phí triển khai trong giai đoạn này là 620 tỷ đồng, trong đó phần lớn kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tại trường học hàng năm khoảng 610 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2014 trở đi sẽ sử dụng kinh phí thường xuyên của địa phương.

 

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X