Thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật: 13-10-2018 | 08:46:36

Cùng với cả nước, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Đề án 1956 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả. Các khóa đào tạo đã trang bị cho LĐNT những kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp… nhằm góp phần cải thiện đời sống nông thôn, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động.

Đào tạo ngành chế biến gỗ cho lao động nông thôn  

Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cho biết: “Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh đã mang lại nhiều cơ hội cho người nghèo ở nông thôn thay đổi cuộc sống. Đến nay, không còn tình trạng đào tạo nghề chạy theo số lượng và thành tích mà đã được tổ chức một cách chặt chẽ, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của địa phương, hoặc người học tự phát triển được khả năng của mình”. Nhờ đó, trong giai 2010-2015, tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956 là 10.155 người. Sau khi học nghề, hơn 80% lao động có việc làm ổn định. Riêng trong 9 tháng năm 2018, đã mở được 32 lớp với 768 học viên theo học. Sở LĐ- TB&XH đã triển khai và phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị, thành phố tổ chức tập huấn, tuyên truyền và tư vấn dạy nghề - việc làm cho LĐNT để bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT tỉnh năm 2018.

Việc học nghề đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt có ý nghĩa với những hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu đất sản xuất và trình độ sản xuất hạn chế. Nhờ học nghề đã có hàng ngàn hộ thoát nghèo, có thu nhập trung bình vươn lên thành hộ có thu nhập khá. Ghi nhận tại huyện Phú Giáo, nhằm đáp ứng nhu cầu đó, huyện đã tăng cường công tác đào tạo nghề cho LĐNT, lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo với 32 lớp dạy nghề cho gần 1.000 học viên trong 3 năm (2016-2018). Đối với việc hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách, huyện đã tạo điều kiện cho 1.201 lượt hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo vay vốn để đầu tư, phát triển sản xuất với số tiền hơn 40 tỷ đồng. Có vốn và có mô hình sản xuất, người nghèo rất cần được chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả. Do đó, huyện đã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm bớt khó khăn khi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Chúng tôi có dịp tìm hiểu Hợp tác xã (HTX) May do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phú Giáo thành lập đến nay đã có trên 100 thành viên. Các chị là những người đã tham gia lớp học nghề may theo Đề án 1956. Sau khi được đào tạo nghề LĐNT, chị em phụ nữ huyện Phú Giáo không làm riêng lẻ mà tập trung lại để giúp nhau phát triển kinh tế gia đình từ nghề đã được học. Hiện nay các chị có công việc làm ổn định, có thu nhập để nâng cao đời sống gia đình.

Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo

Việc tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thị, thành phố triển khai chương trình đào tạo nghề cho LĐNT theo Đề án 1956 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh đến các địa phương và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và tổ chức tuyển sinh đến các địa bàn xã, phường, thị trấn. Các đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên đã phối hợp trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo. Phát huy hiệu quả việc dạy nghề, Sở LĐ- TB&XH đã cử cán bộ nghiên cứu thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp để bổ sung những ngành nghề phù hợp, bảo đảm sau khi học nghề học viên có công việc ổn định.

Nhờ đó, đào tạo nghề cho LĐNT đã phát huy tác dụng và được đông đảo lao động ở các vùng nông thôn đăng ký học nghề. Điều quan trọng, việc đưa công tác dạy nghề về cơ sở là tiết kiệm được chi phí học nghề cho người lao động ở nông thôn khi được tham gia học nghề tại địa phương mình. Gắn với tình hình thực tế từng địa phương, Ban Chỉ đạo đề án cũng chọn các ngành nghề phù hợp như: May, cạo mủ cao su, chăm sóc cây ăn trái, kỹ thuật chăn nuôi, sửa chữa xe máy, sửa chữa điện thoại, cắt tóc, nấu ăn đãi tiệc… Nội dung dạy nghề chủ yếu là thực hành để người học nắm kiến thức, vững thực hành ngay sau khi học. “Một trong những kết quả nổi bật qua việc triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề LĐNT chính là nhận thức của người lao động có chuyển biến rõ rệt, nhiều mô hình sản xuất hoạt động hiệu quả hơn khi bản thân người lao động được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp của mình”, ông Tuyên cho biết.

Theo dự báo, mỗi năm Bình Dương cần tuyển trên 50.000 lao động, trong đó phấn đấu trên 80% lao động đã qua đào tạo. Nâng cao chất lượng, số lượng và hiệu quả đào tạo nghề, chuyên nghiệp hóa bộ phận LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương đến năm 2020. Để thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT trong giai đoạn mới, Bình Dương tiếp tục thực hiện những chính sách đối với người học như: Hỗtrợhọc phívàcác chi phíkhác cho LĐNT thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo (theo chuẩn của tỉnh Bình Dương), người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng)... Ngoài ra, Bình Dương còn có chính sách hỗtrợvốn vay từNgân hàng Chính sách xãhội cho LĐNT học nghề được vay để học theo quy định hiện hành về tín dụng đối với học sinh, sinh viên…

Như vậy, việc tổ chức đào tạo nghề LĐNT mang lại hiệu quả thiết thực cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, tạo cho LĐNT có tay nghề chuyên môn và việc làm ổn định để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần tích cực đột phá có chiều sâu trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo - việc làm của tỉnh.

Theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, trong giai đoạn 2018-2020, Bình Dương đào tạo nghề cho khoảng 4.140 LĐNT; trong đó nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp khoảng 2.640 người, nhóm ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp khoảng 1.500 người. Tỷ lệcóviệc làm sau khi học nghềtrong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.

T.VY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên