Thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Cần tuyên truyền sâu rộng hơn để người nông dân hưởng lợi

Cập nhật: 26-10-2011 | 00:00:00

Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1-3-2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) thực sự đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp nói chung. Bình Dương (BD) là địa phương được chọn để triển khai thí điểm BHNN trên đàn heo, trâu, bò, gia cầm. Đây là vấn đề được nông dân BD quan tâm trong thời gian qua vì hiện nay quy mô đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh khá lớn và xu hướng chăn nuôi với quy mô trang trại đang được nhiều nông dân quan tâm.  Chính sách BHNN rất thiết thực với người chăn nuôi

Chia sẻ khó khăn với nông dân

Mục đích chính của việc thực hiện thí điểm BHNN là nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Theo đó Nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân cận nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân không thuộc diện nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% cho các tỉnh nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương; ngân sách Trung ương hỗ trợ 50% cho các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương dưới 50%, ngân sách địa phương bảo đảm 50% còn lại; ngân sách địa phương tự bảo đảm đối với các địa phương còn lại. Có thể nói, với những mức hỗ trợ cụ thể như trên, nông dân sẽ an tâm hơn trong sản xuất. Cùng với chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được triển khai thực hiện trong thời gian qua, quá trình sản xuất của nông dân đang được hỗ trợ về nhiều mặt với những mục đích chung là giảm khó khăn trong sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Thiết thực với nông dân

Đây là một chính sách mới và được nhiều người quan tâm, theo dõi. Ngay khi nghe các thông tin về việc BD được chọn để thí điểm thực hiện BHNN, các chủ trang trại và người chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh tỏ ra rất đồng tình với chính sách mới này vì nó liên quan trực tiếp đến lợi ích của những người chăn nuôi nhất là khi mà hiện nay việc sản xuất của nông dân ngày càng trở nên rủi ro hơn do các diễn biến của dịch bệnh. Nếu được tham gia thực hiện các điều khoản của BHNN thì sản xuất của nông dân sẽ ổn định hơn và qua đó góp phần thúc đẩy lĩnh vực chăn nuôi của BD phát triển hơn.

Sau khi nhận được Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm BHNN và Thông tư 47 hướng dẫn thực hiện của Bộ  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nhiệm vụ này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn BD đã tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương thành lập ban chỉ đạo và chọn 3 huyện tham gia thí điểm BHNN gồm Dầu Tiếng, Bến Cát, Tân Uyên. Đây cũng là 3 địa phương có số lượng gia súc, gia cầm chăn nuôi lớn của tỉnh. Đối tượng được chọn thí điểm BHNN là đàn bò sữa và heo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh BD cũng đã cử cán bộ tham gia tập huấn do Bộ Tài chính triển khai nhằm chuẩn bị tốt cho việc thực hiện thí điểm BHNN. Để rà soát cũng như đánh giá đúng nhu cầu của bà con nông dân về thực hiện thí điểm nông nghiệp, đơn vị này cũng sẽ tiến hành lấy ý kiến trong thời gian sớm nhất.

Việc ra đời của chính sách BHNN đã đáp ứng được nguyện vọng chung của nhiều nông dân. Tuy đã có nhiều thông tin về thực hiện thí điểm BHNN trên địa bàn tỉnh nhưng nhiều tháng trôi qua, nông dân vẫn chưa biết cách nào để có thể tham gia. Ông Nguyễn Hữu Nhiệm - Hợp tác xã Chăn nuôi heo Hiệp Lực tại huyện Tân Uyên cho rằng, ngay cả những người làm hợp tác xã như chúng tôi cũng mới chỉ nghe qua về chính sách này thôi chứ chưa nhận được các hướng dẫn tham gia. Nếu được tham gia vào chính sách này chắc chắn quá trình sản xuất của người chăn nuôi sẽ đỡ vất vả hơn và đạt được lợi nhuận cao hơn. Không riêng gì những chủ trang trại chăn nuôi với quy mô lớn, có mức vốn đầu tư lớn mà ngay cả những người chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đang rất quan tâm đến chính sách này. Có thể nói với những người chăn nuôi nhỏ lẻ, chính sách BHNN tỏ ra thiết thực với họ hơn cả vì họ là những người chịu sự rủi ro cao nhất trong chăn nuôi do quy trình sản xuất an toàn không được bảo đảm như những chủ trang trại hay những hợp tác xã chăn nuôi lớn khác. Anh Nguyễn Văn Vinh - người nuôi heo tại xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên cho biết: “Người chăn nuôi nhỏ lẻ mong nhận được nhiều các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tôi cũng rất mong muốn tham gia BHNN nhưng không biết bằng cách nào và nếu tham gia thì tôi sẽ nhận được những lợi ích gì. Do chưa có nhiều hiểu biết nên nhiều người chăn nuôi như tôi cũng chỉ nghe ngóng chứ cũng chưa thấy có các hướng dẫn cụ thể”. Còn ông Trịnh Đức Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo thì cho rằng, việc thực hiện BHNN trong giai đoạn hiện nay là phù hợp vì chăn nuôi thường có những rủi ro lớn. Vì vậy để có thể thực hiện tốt chính sách, công tác tuyên truyền cần thực hiện mạnh hơn nữa để người dân có thể hiểu và tham gia sớm.

Có thể nói đây chính là một chính sách mới và trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn mà trong đó điển hình là tiến độ triển khai chính sách còn chậm. Để có thể thực sự sát cánh với nông dân, các cấp, các ngành cũng như các đơn vị liên quan cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện. Một khi người nông dân hiểu và nhận thấy được lợi ích thì họ mới tham gia và mạnh dạn hơn trong việc đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Qua đó, góp phần tích cực trong việc thúc đẩy ngành chăn nuôi BD phát triển.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên