Thực hiện tốt các giải pháp bình ổn giá cả, thị trường cuối năm

Cập nhật: 31-10-2016 | 09:21:53

Để chủ động kiểm soát, điều tiết giá các mặt hàng, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho người dân dịp cuối năm, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp bình ổn giá cả, thị trường. Phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương về vấn đề này.

 - Xin ông cho biết, công tác bình ổn giá cả, thị trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được thực hiện như thế nào?

- Trong năm 2016, có 12 doanh nghiệp đã thực hiện bình ổn thị trường với doanh thu bán hàng trong giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân (từ 18-11-2015 đến 31-3-2016) là 639,120 tỷ đồng, vượt 18,5% kế hoạch đề ra. Ngoài việc bán hàng bình ổn tại các siêu thị hiện hữu, các doanh nghiệp tham gia bình ổn như Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Đông Hưng - Aeon, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn - Bình Dương, Công ty TNHH EB Bình Dương, Công ty TNHH Lotte Mart còn tổ chức triển khai hơn 40 lượt bán hàng lưu động trong dịp Tết Nguyên đán ở các địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp cùng UBMTTQ Việt Nam tỉnh và UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn tại các địa phương như Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bến Cát, Bắc Tân Uyên... với 10 phiên chợ. Bình quân mỗi phiên chợ có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia với 45 - 50 gian hàng/phiên chợ, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh.

Chương trình bình ổn thị trường của tỉnh đã góp phần kiềm chế lạm phát, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại một phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ở huyện Bàu Bàng. Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Nhìn chung, công tác phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cùng doanh nghiệp tham gia bình ổn đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường năm 2016 đạt kết quả tốt. Các bên đã chủ động nắm tình hình giá cả thị trường, dự trữ hàng hóa sớm để cung ứng hàng hóa kịp thời, không để xảy ra tình trạng sốt giá ảo. Nhờ đó, trong năm 2016, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, không tăng giá, góp phần kiềm chế lạm phát và phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân.

- Thưa ông, thực hiện kế hoạch bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ tết như thế nào?

- Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân năm 2017 bao gồm lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống như: gạo, nếp, đường, dầu ăn, bột ngọt, nước chấm, thịt gia súc, gia cầm, nước giải khát, bánh mứt, thuốc trị bệnh thông thường cho người (sản xuất trong nước)… với tổng trị giá hàng hóa là 1.343 tỷ đồng. Trong đó, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu là 610,8 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh), có 11 doanh nghiệp tham gia.

Theo dự kiến, số lượng gia súc, gia cầm sẽ cung ứng ra thị trường tại địa phương như: trâu, bò 4.427 con, tương đương 885 tấn thịt; heo 79.276 con, tương đương 7.135 tấn thịt; gia cầm trên 688.000 con, tương đương 1.003 tấn thịt; trứng gia cầm gần 20.458.000 quả. Riêng mặt hàng xăng dầu, tỉnh giao nhiệm vụ cho 2 doanh nghiệp xăng dầu là Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ TNHH MTV và Công ty Xăng dầu Sông Bé TNHH MTV đảm nhận cung ứng đầy đủ cho toàn bộ hệ thống xăng dầu trên địa bàn tỉnh với số lượng dự kiến tăng thêm từ 10 - 12% so với cùng kỳ năm 2016.

Đối với mặt hàng thuốc trị bệnh cho người, tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, chỉ đạo nhà thuốc tại bệnh viện các huyện, thị, thành phố thực hiện bình ổn mặt hàng thuốc trị bệnh thông thường (thuốc sản xuất trong nước), đồng thời triển khai bán thuốc bình ổn tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn với giá bán lẻ do ngành y tế quy định và treo băng rôn với khẩu hiệu “Điểm bán thuốc bình ổn giá” tại các cửa hàng thuốc trên địa bàn tỉnh.

- Đối với những trường hợp đầu cơ hàng hóa, găm hàng, tăng giá quá mức; các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, bán hàng giả… sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường như thế nào, thưa ông?

- Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm việc tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trítuệ, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Sở đã yêu cầu chi cục kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm bảo đảm ổn định thị trường phục vụ nhu cầu tết cho nhân dân.

Sở cũng yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, nhất là về an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; cùng với đó kiểm tra việc đo lường hàng hóa, công bố chất lượng hàng hóa của các cơ sở bán buôn bán lẻ để phát hiện những thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá. Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý thị trường cần làm tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng bình ổn, phiên chợ vui của chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, hội chợ triển lãm nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để các tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng để mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng lậu, hàng kém chất lượng.

- Xin cảm ơn ông!

T.PHƯƠNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên