Thực thị Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Cần tuyên truyền trước, xử phạt sau

Cập nhật: 14-02-2017 | 07:56:13
Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1-2-2017. Nghị định 155 thay thế Nghị định 179/2013 của Chính phủ ban hành năm 2013. Trong nghị định mới, các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng sẽ tăng mức xử phạt. Đặc biệt hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Các hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận sau gần nửa tháng thực hiện nghị định, nhiều người dân vẫn vô tư xả rác và cũng chưa thấy ai bị phạt. Việc thực thi Nghị định 155 của Chính phủ đã dấy lên nhiều bàn luận trong xã hội. Chung quy có hai luồng dư luận trái ngược nhau: người ủng hộ nghị định, người nói khó thực thi. Phía ý kiến “khó khả thi” lại thuộc về cán bộ chính quyền địa phương - lực lượng chủ yếu thực thi nghị định. Bởi nhiều lãnh đạo xã, phường, thị trấn vẫn nhắc lại điệp khúc “không đủ nhân lực” để thực thi việc xử phạt. Như vậy, phạt ai, ai phạt, phạt như thế nào là thuộc về trách nhiệm và ý thức của cán bộ chính quyền đối với cuộc sống người dân. 
Nghị định 155 tuy khó triển khai nhưng không phải là bất khả thi. Đặc biệt, đây là điểm tựa pháp lý để hướng tới mục tiêu đô thị văn minh, sạch đẹp. Các lực lượng thực thi ở cấp xã, phường, thị trấn hiện nay không thiếu, từ công an, dân phòng, đến lực lượng hỗ trợ như thanh tra môi trường của quận. 
Nghị định 155 ban hành đã đáp ứng mong muốn của người dân nhằm để giữ môi trường sống, cảnh quan sạch đẹp và văn minh lịch sự. Nhưng chỉ xử phạt là chưa đủ mà cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu các quy định pháp luật và ý thức văn hóa nơi công cộng thì họ mới không vi phạm. Người Việt chúng ta vẫn còn thói quen xả rác, phóng uế “tự do”. Việc xử phạt nặng các hành vi nêu trên là một trong những giải pháp tốt để ngăn ngừa được những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thay đổi những thói quen xấu xưa nay vẫn làm. Vì thói quen xấu đó liên quan đến ý thức văn hóa của mỗi người dân. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nơi công cộng như nhà vệ sinh, phòng hút thuốc, thùng rác… nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân.
 
 NHẬT HUY
 
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên