Thùng rỗng kêu to!

Cập nhật: 15-06-2014 | 12:04:02

Không phải đến bây giờ việc KCB có vấn đề ở một số phòng khám có bác sĩ người Trung Quốc mới được nhìn thấy. Từ những năm qua, báo chí đã không ít lần đề cập việc quảng cáo theo kiểu “thùng rỗng kêu to”, rồi kê toa, bán thuốc, điều trị cũng theo kiểu “cò kè bớt một thêm hai”. Nhưng hầu như những đánh động từ báo chí đều bị ngành chức năng “bỏ ngoài tai” và hệ quả là số lượng các phòng khám có “bác sĩ” Trung Quốc ra đời ngày càng nhiều, đặc biệt là tại các thành phố lớn và hoạt động KCB, bán thuốc, quảng cáo mà theo nhiều chuyên gia trong ngành y là “nhố nhăng không chịu được”.

Dù có hơi chậm trễ nhưng ngành y tế các cấp cần phải vào cuộc một cách quyết liệt nhất để chấn chỉnh hoạt động KCB trở nên lành mạnh hơn là yêu cầu chính đáng từ phía người dân. Đồng thời đó cũng là đòi hỏi công bằng của nhiều những phòng khám, cơ sở chữa bệnh công tâm, lấy y đức làm trọng trên địa bàn cả nước. Lãnh đạo ngành y tế TP.Hồ Chí Minh, nơi có rất nhiều phòng khám dạng này đã công khai thừa nhận việc thanh tra y tế có vấn đề và nhận lãnh trách nhiệm để giải quyết. Đó là một sự “dũng cảm” cần thiết, nhưng có lẽ người dân cũng cần phải chờ cách giải quyết thế nào mới dám tin.

Không riêng gì trách nhiệm của ngành chức năng, giới truyền thông mà chủ yếu là các đài truyền hình cũng “góp phần” cho các phòng khám này quảng cáo quá tầm, “nhồi nhét” vào người xem đài những công năng KCB “siêu việt”. Cái cách quảng cáo mà nói như một số chuyên gia y tế là “dữ dội, tự do tung hoành”. Thậm chí có chuyên gia y học đầu ngành cho rằng đó là những quảng cáo “tầm bậy, tầm bạ” và đặt trách nhiệm cho ngành y tế vì sao những nội dung không đúng thực tế, phi lý ấy vẫn được cấp phép? Nặng lời hơn và đáng để suy nghĩ mà nói như lương y Lê Văn Chánh, 85 tuổi đời, 65 năm tuổi nghề là nếu tiếp tục để tình trạng quảng cáo phi lý đó tiếp tục tung hoành, để những “bác sĩ” bậy bạ đó hành nghề là một sự sỉ nhục đối với truyền thống y học Việt Nam.

Vậy là cái “thùng rỗng” của các phòng khám “siêu việt” đã được nhìn thấy, ngành chức năng cũng đã “đau” như nỗi đau của người bệnh. Vấn đề còn lại là người bệnh trông chờ đó là biện pháp nào để “đập bể” những cái “thùng rỗng” đó mà thôi!

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên