Thương binh Nguyễn Hữu Trí: Cả đời tận hiến cho cách mạng

Cập nhật: 17-07-2017 | 08:21:35

Tuổi trẻ cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Khi về già, vẫn sống trọn tuổi đời ý nghĩa cho quê hương, xứ sở, gia đình. Đó là hình ảnh chung của thương binh trên mọi miền của vùng đất Bình Dương một thời mưa bom bão đạn. Ông Nguyễn Hữu Trí, thương binh hạng 4/4, hiện sống tại xã An Điền, TX.Bến Cát là một hình mẫu điển hình như thế.

 Ông Nguyễn Hữu Trí đang “khoe” con rắn vòi voi gần 3 năm tuổi mà gia đình ông nuôi

 Người quân nhân đa tài

Sinh ra trong gia đình cách mạng, lúc 16 tuổi (năm 1962), ông gia nhập quân đội rồi ra làm trinh sát cho lực lượng C61. Năm 1965, ông về làm cơ yếu cho tỉnh Thủ Dầu Một cũ. Sau chuyển về Tiểu đoàn Phú Lợi, rồi làm cơ yếu Phân khu 5, tham gia chiến đấu đến ngày đất nước giải phóng.

Năm 1976, ông làm trợ lý chính sách cho tỉnh Sông Bé cũ. Có thời gian tham gia vận tải thương binh, liệt sĩ tuyến biên giới Campuchia. Năm 1978, ông ra Bắc học quân pháp, kết thúc khóa học ông trở về và làm công tác điều tra hình sự của tỉnh. Lập không ít thành tích, phá được nhiều vụ án lớn, ông được tuyên dương khen thưởng và báo cáo cá nhân điển hình lúc đó. Ông giữ chức vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Sông Bé cũ khoảng thời gian 10 năm từ cuối những năm 1980 đến những năm 1990, sau đó về hưu và tiếp tục kiêm nhiệm nhiều chức vụ trong các hoạt động phong trào tại địa phương từ năm 2002 đến 2016.

Khoảng tháng 11-1969, chiến trường Thủ Đức ác liệt. Ông và đồng đội hành quân từ Thủ Đức qua Dĩ An thì bị phục kích, đùi phải bị đạn bắn thủng, phải nằm dưỡng thương. Ông nhớmột lần khác ở gần núi Châu Thới, bị ném bom, sức ép lớn đến nỗi khẩu M79 vỡ ra đâm vào sau gáy. Ông quan niệm sự hi sinh trong thời chiến rất nhẹ nhàng: “Chiến tranh ác liệt là vậy, nhưng xem như bình thường. Hàng ngày cứ hành quân, ẩn nấp, chiến đấu. Tuổi còn thanh niên, còn sức trẻ, quân đội điều đâu đi đó, không suy nghĩ gì. Chết thì thôi có gì đâu!”.

Chiến tranh là người lính cầm súng anh dũng, hòa bình là người cầm bút, tổng hợp sách vở, sau lại là nhà điều tra tài ba, lập được nhiều thành tích, giữ đứng ở cương vị nào ông cũng không từ nan, quyết làm và làm cho bằng được. chức vụ trọng yếu.  Vậy nên, đứng ở cương vị nào ông cũng không từ nan, quyết làm và làm cho bằng được.

Lão nông tháo vát

Chỉ mấy mụt măng to tươi rói, ông nói vừa lấy măng trên rẫy về. Ngẫm nghĩ cái thời vào sinh ra tử cùng đồng đội, ông tiếp: “Ngày xưa thiếu thốn lắm, dọc đường cứ bẻ măng, hái lá ăn bậy ăn bạ. Vậy mà nghe cái gì cũng ngon. Gian khổ nâng sức chịu đựng của con người lên”. Thế nhưng hoàn cảnh thiếu trước hụt sau của gia đình lại làmột cuộc chiến khác. Nhờ sự rèn luyện bền chí trong quân trường đã giúp ông vững vàng đưa cuộc sống gia đình dần ổn định.

Thời đó xã An Điền là vùng dễ ngập nước, mỗi năm có chừng 3-4 con nước lớn. Khi nước vô là qua khỏi đầu người, cây cối đều ngập úng, không trồng được cây gì đáng kể. Đời sống càng thêm khó khăn, có những ngày vợông phải lên tận Dầu Tiếng, gánh từng quang gánh củ mì về chống đói.

Trong một dịp đi miền Tây (đồng bằng sông Cửu Long), ông bất ngờ với vườn cây trái sum suê của xứ sở quanh năm ngập nước này. Về nhà, ông tự mày mò, nghiên cứu cách làm, tự đắp đất, làm mô cao để chống ngập, bắt đầu trồng cây ăn quả, “bắt chước làm và làm có kết quả”. Ông cho biết mình làngười đầu tiên ở đây làm mô hình này, “giờ có nhiều người học hỏi và làm theo, ai hỏi thì mình chỉ, chỉ mong đời sống bàcon dần khá lên”. Ngoài 1 ha vườn cây ăn trái, ông còn chuyển đổi được 4 ha đất gò thành vườn cao su. Thời giá mủ cao, cộng với nguồn thu từ bán trái cây, ông và gia đình phấn khởi, hăng say lao động. Ông nói: “Tối ngày cứ làm hoài mà không nghe ngán ngẫm. Mình càng làm kinh tế càng khá lên nên cũng có động lực”.

71 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, ông còn chăm bẵm 2 ha vườn cao su vừa đi vào kiến thiết cơ bản. Ông nói, con cái có công ăn việc làm hết rồi, giờ mình ở nhà làm cho khỏe, chứ cũng không thấy cực nhọc gì. Ngày hai buổi, ông lại đi thăm mấy cái ao cá trước nhà. Đặc biệt, ông thích nuôi rắn vòi voi, nhà ông có hai hồ, loài mà ông nói chỉ sống được dưới nước, cắn cũng không có nọc độc. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, ông Nguyễn Hữu Trí là một trong những người có công được UBND tỉnh tặng bằng khen vì bản thân và gia đình luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, gia đình luôn đạt gia đình văn hóa, luôn tự lực vươn lên trong cuộc sống, kinh tế ổn định, là người công dân kiểu mẫu…

“Gia đình tôi là gia đình cách mạng. Ba tôi là người giàu lòng yêu nước, theo cách mạng từ sớm. Anh hai tập kết ra Bắc. Anh năm hi sinh trong kháng chiến. Mẹ tôi là mẹ Việt Nam anh hùng... Với tôi, Nhà nước điều đâu tôi đi đó. Giờ mình làm kinh tế, thấy gia đình thua thì mình ái ngại. Gia đình cách mạng thì làm kinh tế cũng phải cách mạng, làm cho bằng người ta, rồi mình phải làm gương nữa”.

(Thương binh Nguyễn Hữu Trí)

 THUỲ DƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên