Tiếc!

Cập nhật: 11-09-2014 | 10:49:20

Không tìm được tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con cái, nhiều cặp vợ chồng đã nảy sinh cự cãi, bất hòa, lâu dần khiến mái ấm trở thành… mái lạnh. Nếu thực sự chỉ vì không thống nhất quan điểm, phương pháp dạy con mà để cho hôn nhân tan vỡ thì thật đáng tiếc.

Một đứa con, hai cách dạy

Năm 2000, anh Quang (*) và chị Giang nên duyên chồng vợ. Mải lo cho sự nghiệp, sáu năm sau họ mới quyết định có con. Cứ tưởng việc con gái chào đời sẽ khiến đôi vợ chồng trẻ thêm yêu thương, gắn bó; nào ngờ, những bất đồng, mâu thuẫn lại thường xuyên phát sinh. Nguyên do, cả hai không thống nhất cách dạy dỗ, chăm con. Đặt rất nhiều tình thương, kỳ vọng vào con gái, anh Quang vạch ra những phương pháp rất cụ thể để chăm con: anh tìm hiểu từ sơ sinh đến lên ba, từ ba đến sáu tuổi… con cần ăn gì, tâm sinh lý ra sao, sự hiếu động, tò mò với thế giới xung quanh như thế nào để áp dụng cách dạy riêng. Tìm đọc đủ loại sách hướng dẫn chăm sóc, dạy dỗ con là cách anh tự trang bị kiến thức. Trên hết, anh tâm niệm, cha mẹ phải luôn bên cạnh, đồng hành cùng con để kịp thời giúp con xử lý các tình huống, qua đó tạo sự gần gũi, làm điểm tựa cho con.

Chị Giang có quan điểm khác, cũng gần gũi, làm điểm tựa nhưng không đồng nghĩa với sự đồng hành, luôn có mặt chìa cho con bàn tay nương vịn. Chị muốn con phát triển tự nhiên, thèm ăn gì thì ăn, thích chơi gì cứ việc. Tập cho con tính tự lập, nguyên tắc của chị là từ xa dõi nhìn theo con, để con có té đau, vấp ngã sẽ tự biết cách đứng dậy, cha mẹ chỉ hỗ trợ, động viên hoặc “xuất hiện” khi nào cần thiết… Anh chị mâu thuẫn nhau từ những chuyện nhỏ nhất như con khóc thì dỗ dành hay để con tự nín; con tập xếp áo quần hay cha mẹ xếp thay… Anh Quang làm kinh doanh, giờ giấc khá thoải mái nên có nhiều thời gian dành cho con. Chị Giang làm việc cho một công ty nước ngoài, khá bận rộn. Năm 2011, công ty cử chị Giang ra nước ngoài làm việc. Trong khi anh Quang vẫn là ông bố luôn bên con thì chị chỉ có thể dăm ba tháng về một lần.

Kết thúc khóa công tác kéo dài hai năm, ngày chị Giang về nước, tình trạng mâu thuẫn giữa vợ chồng xuất hiện như cơm bữa. Chồng trách vợ không có mặt trong những thời khắc quan trọng của con. Vợ thì giận chồng không tôn trọng, thấu hiểu nguyên tắc “xa mà gần con” của mình. Cuối cùng, họ quyết định đường ai nấy bước. Bản án của TAND Q.Bình Thạnh tuyên xử vào tháng 5/2014 cho anh chị ly hôn. Con gái do chị Giang nuôi dưỡng. Lý do TAND Q.Bình Thạnh đưa ra để bảo vệ quyền nuôi con của chị Giang là vì con gái đã tám tuổi - độ tuổi sắp bước vào giai đoạn thay đổi tâm sinh lý nên cần sự gần gũi, chăm sóc của người mẹ nhiều hơn. Không chấp nhận, anh Quang gửi kháng cáo xin được quyền trực tiếp nuôi con.

Người cha trách nhiệm

Trong phiên phúc thẩm sáng 19/8 ở TAND TP.HCM, anh Quang phản biện rằng chưa từng có cơ sở khoa học nào chứng minh một đứa trẻ dậy thì ở với mẹ sẽ tốt hơn cha. Viện dẫn xã hội có biết bao tấm gương gà trống nuôi con thành đạt, anh Quang tin, với tình yêu của mình, anh sẽ nuôi dạy con thật tốt. Anh cho biết, thu nhập mỗi tháng hơn 50 triệu đồng, từ lúc sinh con ra đến nay, mọi trang trải cho gia đình, lo cho con đều một tay anh cáng đáng. Chị Giang lại có giai đoạn ở nước ngoài, thời gian xa vắng đủ lâu để cha con anh hình thành một nếp sống không có bàn tay phụ nữ. Anh mong tòa để cha con anh tiếp tục nếp sống này.

Trình lên hội đồng xét xử từ sổ khám bệnh, sổ báo bài của con có duy nhất chữ ký của mình cho đến những quyển sách nói về nắm bắt tâm sinh lý tuổi dậy thì đã mua về nghiền ngẫm, anh Quang kể: “Mỗi tối, con học bài thì tôi ngồi bên cạnh cùng học với con. Con hay ốm vặt, hai ba tháng nhập viện một lần cũng chỉ tôi đưa đi khám. Rảnh rỗi, cha con cùng đi chơi, đi nhà sách. Trước lúc con ngủ, tôi đọc truyện cho con nghe. Mỗi ngày, cha con cùng làm với nhau rất nhiều điều như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… Từ khi vợ trở về, tuy vẫn chung nhà nhưng như có cuộc sống riêng, vợ chỉ xuất hiện trong bữa cơm tối, cuối tuần mới dành thời gian chăm sóc con”. Chị Giang không phản biện lại chồng. Ngược lại, chị thừa nhận anh là người cha rất trách nhiệm, hết mực thương yêu con. Tuy nhiên, “thu nhập của tôi cũng ở mức hơn 50 triệu đồng một tháng, có thể nuôi con không cần cấp dưỡng. Không ở bên con thường xuyên nhưng con gặp chuyện gì, phát triển ra sao tôi đều nắm bắt. Tôi vẫn luôn cho rằng cha mẹ nên nuôi con theo xu hướng để con tự lập, chỉ xuất hiện khi thấy cần chứ không phải vì con cần. Nếu bắt buộc chỉ một trong hai phải chăm sóc, nuôi dạy con, thì mẹ luôn là tốt nhất” - chị Giang từ tốn nói.

Lắng nghe tranh luận của họ, vị chủ tọa phân vân. Nhiều người dự khán cũng thở dài bởi thật khó cân đo trong phép tính đứa trẻ nên về ở với ai. Điều kiện vật chất họ ngang nhau, tình thương con cũng vô bờ. Khác chăng là quan điểm, phương pháp, cách dạy bảo, nuôi dưỡng nhưng cũng rất khó đong đếm xem phương cách của người nào là tốt, có lợi nhất cho con. Con gái về sống với ai hẳn cũng sẽ nhận được sự chăm lo tốt nhất… Cuối cùng, tòa tuyên bác đơn anh Quang. Lầm lũi ra về, người cha không giấu sự hụt hẫng, buồn bã, thất vọng. Nhiều người dự khán cũng tỏ ra tiếc nuối. Không ai phủ nhận cách yêu con của anh lẫn của chị. Nếu mái ấm không chia đôi, có lẽ hai phương cách dạy con của anh chị sẽ là sự kết hợp tuyệt vời trên cơ sở bàn bạc, thống nhất mà sợi dây kết nối xuyên suốt - cũng là đích đến - chính là tình yêu dành cho đứa trẻ. Tiếc thay, cái tôi của hai người lớn quá lớn, đến nỗi chả ai chịu "lùi" cho đứa trẻ được "tiến". Cái gọi là tình yêu của những ông bố bà mẹ "cá tính" đã không đủ để che chở cho chính đứa con của mình...

(*) Tên nhân vật đã thay đổi

Theo PNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên