Tiền anh, tiền em - chuyện không đơn giản!

Cập nhật: 20-04-2013 | 00:00:00
Thu nhập bao nhiêu, chi tiêu như thế nào cho gia đình (GĐ) trong ấm ngoài êm rất khó. Có người nói rằng, vợ chồng muốn êm ấm, hạnh phúc, cần 3 điều nên “mù” với nhau! Đó là đừng đọc tin nhắn điện thoại, đừng kiểm tra thư điện tử và đừng biết đến… thẻ ATM của nhau!

 Đơn giản hơn nếu đã “thống nhất”

Không kiểm tra tài khoản cũng được nhưng đó là với những cặp đôi rủng rỉnh một chút, thu nhập của vợ chồng đều ổn định và không cần người kia “trợ giúp” mà vẫn thoải mái chi tiêu. Còn lại những đôi phải vén khéo mới đủ chi tiêu trong tháng thì thật khó để “không thèm nhìn vào túi người bạn đời”.   Ảnh chỉ mang tính minh họa

Hai vợ chồng Huyền mới cưới nhau. Như nhiều cặp đôi khác, sau thời gian “ngọt ngào ngắn ngủi”, họ đụng chuyện với mật độ ngày càng dày. Một trong những lý do cãi nhau là chuyện tế nhị: tiền bạc. Huyền muốn giữ số nữ trang hai bên nội ngoại để làm kỷ niệm và làm vốn. Hải, chồng Huyền thì nói: “Để dành làm gì? Vàng mỗi lúc một xuống giá không phanh không thấy sao? Bán đi mua dàn karaoke hát chơi cho vui, mua mỗi đứa một cái điện thoại thông minh dễ dàng lướt “phây”, chát chít luôn”. Khi “ý tưởng” tiêu tiền của chồng không được vợ đồng ý, chiến tranh xảy ra. Báo hại cái gói nữ trang có khi bị hai đồng chủ sở hữu quăng lên quật xuống. Hải càu nhàu, tưởng chỉ có mẹ mới… keo đến thảm hại, cưới vợ xong thoát cảnh nghe mẹ dặn “tiết kiệm mới nên cơ nghiệp nghe con, phải tích tiểu thành đại nghe con” nào ngờ gặp vợ… keo hơn!

Rất may đôi bạn trẻ này được ba mẹ bày cho cách thống nhất quản lý tiền bạc. Lương của hai vợ chồng bỏ chung một tài khoản và tất nhiên do vợ “làm chủ”. Số vốn hai nhà cho không được phung phí mà phải làm “của để dành” chỉ được làm tăng lên chứ không được mất đi. Hải có vẻ “ấm ức” nhưng anh đành theo sự sắp đặt của… bề trên là tứ thân phụ mẫu!

Cần minh bạch và tôn trọng nhau

Nhiều cặp đôi khác cho biết “tiền của vợ, chồng là cái gì đó rất… tù mù, khó lòng biết chính xác!”. Gì mà khổ dữ vậy? Yêu thương nhau, hết lòng vì nhau sao lại còn “cố tình che giấu” để xảy ra cảnh tiền anh, tiền em dẫn đến chiến tranh.

Anh Thu, nhân viên văn phòng kiêm cán bộ công đoàn của một doanh nghiệp nước ngoài là một “nạn nhân” của sự không minh bạch chi tiêu của vợ. Như đa số người “đàn ông hoàn hảo” khác, anh Thu không cần đếm xỉa gì tới vấn đề tài chính của GĐ. Tiền lương, thưởng anh đem về giao hết cho vợ. Ngặt nỗi, thu nhập khá cao nhưng tháng nào vợ anh cũng báo cáo thâm hụt. Hóa ra, chị làm công nhân, lương thấp nhưng “mang tiếng” có chồng làm quản lý mình phải đẳng cấp hơn bạn bè nên thích gì mua nấy. Sau một tháng anh Thu kêu vợ ghi thử chi tiêu vào khoản nào thì có những khoản rất… tào lao! Nào là giày dép, quần áo dù không thiếu, đi chơi nhân sinh nhật bạn (mà cô vợ anh Thu khá nhiều bạn!)… Cuối cùng, anh Thu đành phải làm người đàn ông không hoàn hảo lắm để nắm tài chính GĐ chứ không “sau này có con chắc túng thiếu hoài vì cái tính chi tiêu không đúng lúc của vợ”…

Có anh lại than mình không được tôn trọng trong vấn đề tiền bạc. Thu nhập của anh thấp hơn vợ nên thường “đau khổ” vì thấy mình thua thiệt, luôn bị vợ coi thường. Không được “tự chủ tài chính” kể cả tiền gửi về cho cha mẹ nên anh này quyết định: “Nếu em còn thiếu tôn trọng anh, hãy bỏ vào hộp tiền chung của GĐ bằng đúng số tiền của anh. Còn lại em cứ làm… của riêng. Những khoản cần thiết như gửi về quê giúp ba mẹ, lo đám tiệc là cấm kể lể, cằn nhằn”…

Muôn hình vạn trạng chuyện tiền anh, tiền em và mỗi nhà có cách làm riêng. Cần thiết vẫn là biết tôn trọng và tin tưởng nhau mới “đơn giản hóa” vấn đề tài chính GĐ được…

 H.MAI - T.LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên