Tiên học lễ…

Cập nhật: 07-10-2014 | 11:05:15

Một buổi chiều tan sở, tại một ngã tư đông đúc dòng xe cộ ngược xuôi, một anh vé số bị khiếm thị đang dò dẫm từng bước chân qua đường. Có lẽ ai cũng hối hả trở về nhà nên không bận tâm đến người khiếm thị tội nghiệp kia. Thấy cảnh ấy, một bác xe ôm vội vã đến nắm tay dẫn người thanh niên khuyết tật kia qua đường. Đó là những hình ảnh đẹp chúng ta dễ dàng nhận thấy trong cuộc sống đời thường. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, thể hiện nét văn hóa của mỗi con người. Điều này càng có ý nghĩa hơn bởi đã minh chứng cho cái đẹp luôn hiện hữu trong cuộc sống đời thường khi mà đây đó vẫn còn những người vô cảm với cuộc sống xung quanh, họ chỉ biết sống vì mình mà quên đi những người xung quanh.

Một câu chuyện khác. Mới đây, tôi có dịp đi công tác cơ sở bằng xe buýt. Xe đang chạy bon bon thì có một cụ già gần 80 tuổi đứng đón xe. Xe dừng, cụ run run bước lên xe, suýt bật ngửa. Ấy vậy mà anh lơ xe vẫn ngồi bất động trên ghế, đối với anh dường như không có chuyện gì xảy ra. Khi cụ già xuống xe, hình ảnh ấy tiếp tục lặp lại. Sợ cụ té ngã, một vị khách đã nhanh chân đứng lên giúp cụ xuống xe. Tôi đã nhiều lần đi xe buýt và chứng kiến nhiều sự việc diễn ra trên xe. Ngoài hình ảnh không đẹp kia thì vẫn còn có những phụ xe nói chuyện nhã nhặn, giúp đỡ hành khách là người già, trẻ em lên xuống xe.

Câu chuyện thứ ba. Trong tuần qua tôi cùng một người nhà đến một bệnh viện lớn của tỉnh khám bệnh. Do người này đang cao huyết áp nên tôi đi nộp sổ thay. Theo quy định, khi đến nhận sổ, người khám phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân. Khi tôi đưa giấy chứng minh để nhận sổ giùm người nhà, cô điều dưỡng hỏi cộc lốc: Người bệnh đâu sao không đến nhận sổ, còn đi được thì đi, không đi được thì ngồi xe lăn đến nhận sổ! Cũng là lời nói, nhưng sao những lời của cô nói khó nghe quá. Giá như cô nhỏ nhẹ giải thích rằng, người bệnh nên trực tiếp đến nhận sổ để tránh tình trạng đi khám bệnh thay thì hay biết mấy (dù việc này khó có thể xảy ra)!

Qua 3 câu chuyện trên cho thấy, văn hóa ứng xử là thước đo giá trị đạo đức của mỗi con người. Ngay từ những năm học tiểu học, học sinh đã được thầy cô giáo dục về đạo đức. Tiên học lễ, hậu học văn, hay dạy làm người trước khi dạy chữ, là phương châm giáo dục các trường học đặt ra. Ngoài những bài học thầy cô đã truyền đạt, mỗi người cần thường xuyên rèn giũa bản thân. Hành động, ứng xử có văn hóa sẽ nâng thêm giá trị của bản thân. Việc ấy nào đâu khó thực hiện!

HỒNG THÁI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên