Tiếng hát những đêm không ngủ 

Cập nhật: 16-04-2015 | 08:41:01

Những ngày này, khắp nơi đang tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Lùi về 40 năm trước, với thế chiến thắng như chẻ tre từ các chiến trường nóng bỏng, tiếng hát cũng là một vũ khí để góp phần làm nên một trang sử vẻ vang của dân tộc ta.

Những lời ca hào hùng  

Chúng tôi tìm gặp nhạc sĩ Trương Quang Lục tại Hội Âm nhạc TP.Hồ Chí Minh trong những ngày ở đây tất bật cho việc xuất bản tập ca khúc của những tác giả tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhạc sĩ Trương Quang Lục được coi là “tư liệu sống” của dòng chảy âm nhạc giai đoạn trước và sau 1975. Ông cho chúng tôi biết, trước năm 1975, có một cuộc chiến “âm thầm mà mãnh liệt” của anh em văn nghệ sĩ. Những bài hát phản chiến, kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh được lan truyền mạnh mẽ trong đời sống thị dân, qua các bạn học sinh, sinh viên như tạo thêm khí thế, tiếp thêm sức mạnh cho toàn dân kháng chiến. Phong trào Tiếng hát những đêm không ngủ, Hát cho đồng bào tôi nghe ra đời như thế và ở những tác phẩm này, chúng ta thấy tinh thần trách nhiệm, vì dân tộc của văn nghệ sĩ rất cao.

Các nhạc sĩ ở TP.Hồ Chí Minh đang trao đổi với phóng viên về phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Ảnh: Q.NHIÊN

Đóng góp ca khúc hay cho phong trào của văn nghệ sĩ Sài Gòn lúc bấy giờ là nhạc sĩ Phạm Tuyên. Nhạc sĩ Phạm Tuyên, những năm trước 1975 ông sống ở miền Bắc. Trong quyển “Chúng tôi đã sống như thế” có đoạn viết: “Khi đất nước còn bị chia cắt làm hai miền, tấm lòng của nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn hướng về miền Nam, ngày đêm bám sát tình hình đấu tranh của đồng bào trong đó. Mùa thu năm 1970, cả Hà Nội dõi theo từng bước phát triển của phong trào học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam đấu tranh chống Mỹ ngụy. Người ta đọc được trên báo điệp khúc “Dậy mà đi” trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của Sài Gòn và các đô thị miền Nam. Rồi vào một đêm tháng 9-1970, sau khi nghe tin tức về cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ghi lại cảm xúc của mình trong ca khúc “Tiếng hát những đêm không ngủ”. Bằng sức tưởng tượng, anh hình dung những đêm đấu tranh ở miền Nam, học sinh, sinh viên họp nhau lại trong tiếng bập bùng của đàn ghi-ta, hát lên những khúc ca về đất nước để động viên nhau trong cuộc đấu tranh quyết liệt này: “Âm vang bao tiếng ca truyền đi trong màn đêm/ Bập bùng lửa căm hờn hòa với tiếng hát bừng lên/ Ta đi khai sáng thêm ngọn lửa thiêng từ bao đời/ Lời ca bốc lửa đấu tranh sáng lên ngời ngời!”. Âm hưởng trầm hùng, thúc giục của bài ca đã phản ánh tình cảm của giới trẻ miền Nam bấy giờ: “Dậy mà đi đồng bào ơi! Dậy mà đi đồng bào ơi! Mẹ Việt Nam có biết chăng giờ này đoàn con đã lên đường! Vượt rào gai dẫu khói mù vẫn đi! Máu đã đổ sân trường giục ta bền chí…”.

Các nhạc sĩ của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Tiếng hát những đêm không ngủ” như Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trường Quốc Khánh cũng từng cho rằng, bài hát được phát trong buổi Tiếng hát gửi về Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam nhanh chóng đến với thanh niên học sinh, sinh viên ở miền Nam và được anh chị em phổ biến khá rộng rãi. Sau này, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ca khúc “Tiếng hát những đêm không ngủ” được coi là ca khúc của phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên và ghi nhận sức cổ vũ của bài ca đối với tuổi trẻ miền Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Nhạc phẩm này được coi là “phong trào ca” của lớp trẻ một thời. Đặc biệt, bài hát đã được hãng băng đĩa của Đảng Cộng sản Nhật Bản dịch ra tiếng Nhật, thu thanh và phổ biến vào năm 1979.

Đấu tranh bằng tiếng hát

Phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe là một trong những niềm tự hào của âm nhạc Việt bởi nó đã thổi bùng lên ngọn lửa căm hờn, ý chí sắt thép để quân và dân ta chung một chí hướng, đoàn kết cho cuộc chiến giành hòa bình vì non sông gấm vóc. Nhạc sĩ Tôn Thất Lập viết một bài ca hào hùng mà hiệu triệu muôn người đứng lên: “Hát cho dân tôi nghe/ Tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát cho đêm thiên thu lửa cháy bên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang… Dành lại dòng sông này cho lúa chín khắp đồng xanh/ Dành lại thành phố đó bàn tay nâng cao hòa bình…”.

Hát cho đồng bào tôi nghe là một phong trào đấu tranh đòi hòa bình trong chiến tranh Việt Nam dưới hình thức văn nghệ, âm nhạc, thơ ca, nằm trong phong trào đấu tranh đô thị (đặc biệt ở Sài Gòn) trên trận tuyến văn hóa, tư tưởng, được tổ chức bởi Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tại miền Nam Việt Nam. Về chính trị, phong trào này vận động người dân đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh, phản đối Mỹ leo thang chiến tranh, đòi lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, yêu cầu Hoa Kỳ phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam. Về văn hóa, phong trào này tự cho là “cổ vũ tinh thần yêu nước”, “chống văn hóa đồi trụy, lai căng” và “các khuynh hướng văn nghệ phi dân tộc”. Hát cho đồng bào tôi nghe ban đầu là một phong trào tự phát, rồi sau có tổ chức dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, với mục đích chính là góp phần tranh đấu vì hòa bình và thống nhất Việt Nam.

Từ phong trào tự phát đến có tổ chức, phong trào đã mang tiếng vang rất lớn làm nhụt chí kẻ thù. Năm 1966, Đoàn Văn nghệ sinh viên - học sinh thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã được thành lập do sinh viên y khoa Trương Thìn làm trưởng đoàn và đã phổ biến những tập ca khúc phản chiến như Hát từ đồng hoang của nhạc sĩ Miên Đức Thắng. Năm 1968, với cương vị Trưởng đoàn văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn, chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác - Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã cùng với các nhạc sĩ sinh viên Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên... thực hiện phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe thông qua các hoạt động tiêu biểu là văn nghệ trong “Hội Tết Quang Trung Sài Gòn” năm 1967, “Đêm nhạc Tôn Thất Lập” ở Đại học Dược khoa Sài Gòn (1967) do tạp chí Đất Mới của sinh viên Luật khoa Sài Gòn tổ chức và tại Đại học Khoa học Huế, “Đêm thơ nhạc” ở Đại học Sư phạm Huế vào tháng 12-1967. Góp phần đấu tranh chống lại các khuynh hướng văn nghệ phi dân tộc lúc bấy giờ; góp phần hiệp đồng với mặt trận đấu tranh đô thị, hội thảo, xuống đường, các chiến dịch đốt xe Mỹ. Trong “đêm văn nghệ vì hòa bình” tổ chức tại trường Đại học Nông Lâm Súc Sài Gòn tối 27-12- 1969 đã chính thức ra mắt tên gọi phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe…

Sau 40 năm, giờ đây gặp lại, các nhạc sĩ vẫn vô cùng tự hào về một thời oanh liệt. Họ đã có một thời tuổi trẻ oai hùng, đi cùng thời, vượt qua cuộc chiến tàn khốc và thở cùng nhịp thở của lịch sử dân tộc. Tại ngôi nhà chung của Hội Âm nhạc thành phố hiện nay, họ đang bàn luận cùng nhau về một chương trình văn nghệ hoành tráng chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên