Tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo: Cần cán bộ có tâm và tầm

Cập nhật: 18-09-2014 | 08:33:21

Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Hoạt động này có hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào đội ngũ cán bộ. Đây là một trong những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn tại nhiều địa phương thời gian qua.

 

Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với dân sẽ giải quyết những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở. Trong ảnh: Một buổi tiếp xúc giữa cán bộ với người dân ở xã An Sơn, TX.Thuận An Ảnh: T.DŨNG

 Bố trí đúng người, sát việc

TX.Dĩ An là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, thu hút đông đảo người lao động từ các nơi đến làm việc. Bên cạnh những thuận lợi, thị xã cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là việc người dân nhập cư đông phát sinh việc mua bán, sang nhượng đất đai làm nhà diễn ra phức tạp. Việc thực hiện các dự án quy hoạch, quy trình, quy định về giải tỏa đền bù, thiết kế xây dựng dự án còn hạn chế. Một số doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường… Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu nại, tố cáo của người dân. Trước thực trạng đó, TX.Dĩ An đã có nhiều giải pháp trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm kịp thời giải quyết những thắc mắc, khiếu nại của người dân, qua đó hạn chế việc phát sinh khiếu nại phức tạp, đông người, kéo dài trên địa bàn.

Ông Võ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện phần mềm quản lý tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh đang được chạy thử. Dự kiến vào tháng 10-2014, phần mềm này sẽ chạy trên trang thông tin điện tử của tỉnh, sau đó sẽ chuyển cho các địa phương, đơn vị liên quan. Việc ứng dụng phần mềm sẽ góp phần theo dõi, xử lý đơn thư trùng lắp đồng thời hình thành cơ sở dữ liệu về tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Một trong những giải pháp được TX.Dĩ An quan tâm thực hiện trong thời gian qua đó là việc sắp xếp thời gian, bố trí cán bộ đúng người, sát việc trong hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ông Nguyễn Văn Lộc, Bí thư Thị ủy Dĩ An cho biết, hoạt động tiếp công dân của thị xã được thực hiện thường xuyên theo quy định. Hàng tuần, Bí thư Thị ủy và Chủ tịch HĐND thị xã tiếp công dân vào thứ năm của hai tuần đầu tháng, tuần tiếp theo do Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND thị xã tiếp. Lịch tiếp công dân được niêm yết công khai tại điểm tiếp dân và luôn duy trì thường xuyên.

Cũng theo ông Lộc, trong các buổi tiếp dân đều có đại diện lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng với thủ trưởng các cơ quan liên quan. Đối với những khiếu nại, tố cáo, phản ánh thuộc thẩm quyền mà vụ việc có cơ sở giải quyết, lãnh đạo thị xã cùng với các cơ quan liên quan trả lời ngay để công dân biết. Đối với những vụ việc phức tạp thì tiếp nhận đơn, hẹn thời gian theo quy định và chuyển cơ quan có thẩm quyền để người dân biết liên hệ giải quyết…

Chính nhờ xác định đúng tầm quan trọng của công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như bố trí cán bộ lãnh đạo, thủ trưởng các ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan nên công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn Dĩ An đã có nhiều chuyển biến tích cực.

“Đừng ngại gặp dân!”

Thực tế cho thấy, một trong những hạn chế trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay bắt nguồn từ việc bố trí cán bộ tiếp dân chưa phù hợp. Điều này chẳng những ít mang lại hiệu quả trong công tác tiếp dân mà còn khiến người dân bức xúc vì chưa được giải quyết một cách thấu tình, đạt lý. Trong khi đó, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo phải điều hành, xử lý nhiều công việc khác, do vậy phần lớn vụ việc phải ủy quyền cho thủ trưởng các cơ quan chuyên môn tổ chức đối thoại với người khiếu nại.

Bên cạnh đó, một số lãnh đạo, người đứng đầu ngại tiếp xúc với người khiếu kiện, thiếu quyết tâm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thông qua hoạt động giám sát của HĐND, bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, ở một số nơi còn tình trạng cán bộ tiếp dân nhưng ngại… đối thoại với dân. Có tình trạng này là bởi: Cán bộ tiếp dân không nắm được vấn đề, quy định của pháp luật. Người tiếp dân không phải là cán bộ giải quyết và cuối cùng là cán bộ tiếp dân ngại dân bức xúc.

Để công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, cần phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tiếp dân; sớm xây dựng một đội ngũ làm công tác tiếp dân vừa có tâm và có tầm. Nghĩa là cán bộ không chỉ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật mà còn phải có tinh thần trách nhiệm, có kinh nghiệm trong giao tiếp, ứng xử, biết lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, từ đó mới chia sẻ, giải thích đúng cho người dân nhằm giảm sự bức xúc. “Đừng ngại gặp dân mà thay vào đó cần cố gắng lắng nghe, thấu hiểu và giải quyết tận tình cho người dân…”, bà Trần Thị Kim Vân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ.

 TRÍ DŨNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên