Tiếp sức cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Cập nhật: 10-04-2012 | 00:00:00

Để người khuyết tật (NKT) hòa nhập cộng đồng thì điều quan trọng nhất là giải quyết được vấn đề việc làm, tạo sinh kế để NKT có thể tự nuôi sống bản thân. Thời gian qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp (DN) đã mạnh dạn tuyển NKT vào làm việc. Đây là tín hiệu vui cho những NKT có mong muốn tìm được việc làm ổn định.   

Ánh sáng... cuối đường hầm

Vì nhiều lý do, DN rất ngại khi tuyển NKT vào làm việc. Bởi những bất tiện trong sinh hoạt, hiệu quả công việc... nhưng tại Công ty Gốm sứ Minh Long 1, NKT luôn được ưu ái. Bà Lý Ngọc Dung, Phó Giám đốc công ty, cho biết: “Minh Long 1 luôn sẵn sàng nhận NKT vào làm việc và tạo điều kiện cho họ phát triển nhưng phải siêng năng, ham học hỏi”.

 Được sự hỗ trợ từ Công ty Minh Long 1, em Phạm Văn Tấn đã có cuộc sống ổn định

Em Phạm Văn Tấn, 24 tuổi nhưng đã làm công nhân ở bộ phận trang trí cho công ty được 5 năm. Với mức lương hiện tại khoảng 4 triệu đồng/tháng, Tấn không chỉ lo được cho bản thân mà còn có tiền phụ giúp gia đình. Tấn khoe: “Được làm việc ở đây em vui lắm nhờ công việc đúng sở thích và được mấy cô quản lý thương lắm”.

Còn em Hồ Thanh Hương, mới được Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Thuận An gửi đến công ty làm việc chưa được 1 tháng nhưng Hương được mấy cô quản lý khen là thông minh và rất có năng khiếu về vẽ.

Cả Tấn và Hương đều bị khiếm thính. Vì vậy, những ngày đầu vào làm việc, các em và quản lý chủ yếu trao đổi qua viết giấy, dần dần hiểu nhau hơn mới trao đổi bằng cách ra dấu. Bà Lê Thị Phương Phi, Phòng nhân sự Công ty Minh Long 1, cho biết: ở công ty có nhiều công đoạn sản xuất, vì vậy căn cứ vào năng khiếu, sở thích của NKT để bố trí công việc phù hợp. Ngoài ra, công ty luôn ưu ái cho NKT. Chẳng hạn, giao những việc nhẹ nhàng, đơn giản hơn những công nhân bình thường.

Hay tại Trung tâm dạy nghề người tàn tật tỉnh có hàng chục NKT đang có việc làm ổn định nhờ Công ty May Quốc tế Hàn Quốc giao hàng gia công dụng cụ y tế (ống nong động mạch). Chị Vũ Thị Xuân, đến từ Dĩ An tâm sự: “Có được công việc như thế này với tôi là một niềm mơ ước. Hiện mỗi tháng tôi thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng. Với mức lương này tôi đã lo được cho mình”. Chị Xuân bị bệnh trầm cảm hơn chục năm nay. Khi bình thường thì không ai nhận ra chị bệnh, nhưng lúc phát bệnh thì tính tình chị trở nên nóng nảy, cáu gắt; chế độ sinh hoạt bị đảo lộn như có khi ăn quá nhiều, ngủ quá nhiều, có khi thì không ăn, không ngủ...

Đào tạo nghề - phương thức hỗ trợ bền vững cho NKT

Cô Nguyễn Ngọc Cam, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh cho biết, đào tạo nghề cho NKT luôn được quan tâm. Trong những năm qua, ngoài Trung tâm dạy nghề NKT dạy nghề tập trung thì còn tổ chức tại cộng đồng. Trong 5 năm qua, tổng số người tàn tật, trẻ mồ côi được đào tạo nghề gần 1.600 người, với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng; trong đó trên 800 người tàn tật được đào tạo nghề từ chương trình mục tiêu quốc gia, còn lại học nghề ngoài cộng đồng.

Cô Đặng Thị Minh Thu, Trưởng phòng đào tạo Trung tâm dạy nghề NKT tỉnh cho biết, hiện trung tâm đào tạo 7 ngành nghề như cắt - uốn tóc; tin học, điện tử, in lụa, may - dệt... Song song với dạy nghề, trung tâm còn liên hệ nhận hàng gia công để tạo thêm thu nhập cho NKT tại trung tâm.

Để NKT có một công việc ổn định không phải chuyện dễ. Họ rất cần sự đồng cảm, chia sẻ và chung tay góp sức của cộng đồng để có cuộc sống ổn định.

THU THẢO

Trong 5 năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh đã giới thiệu được127 NKT vào làm tại các công ty, xí nghiệp như: Công ty Yazaki, Minh Long I, Cường Phát và Trường Phát.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên