Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội

Cập nhật: 25-05-2019 | 09:18:23

Trong những năm qua, Công an Bình Dương đã thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, chủ động tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định tình hình trật tự an toàn xã hội, phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, do dân số tăng cơ học ngày càng nhanh nên tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.

Một nhóm thanh niên giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực bị công an bắt giữ

Tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội tăng

Tính từ năm 2016 đến 2018, toàn tỉnh xảy ra 2.567 vụ phạm pháp hình sự; trong đó có 115 vụ giết người do nguyên nhân xã hội (chiếm tỷ lệ 4,5%) làm chết 119 người, gây thương tích 18 người. Cơ quan công an đã điều tra làm rõ 115 vụ (chiếm tỷ lệ 100%), bắt, khởi tố, điều tra 166 đối tượng gây án. Đáng lưu ý, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình phạm pháp hình sự có chiều hướng gia tăng. Toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ giết người, 3 vụ cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, 54 vụ cố ý gây thương tích; hậu quả làm 17 người chết, 72 người bị thương.

Qua thực tiễn điều tra các vụ án cho thấy, nguyên nhân của các vụ án giết người, cố ý gây thương tích chủ yếu là do mâu thuẫn trong đời sống sinh hoạt. Do sự khác biệt trong văn hóa ứng xử vùng miền; sử dụng rượu bia quá đà không kiềm chế được hành vi khi phát sinh mâu thuẫn; mâu thuẫn hôn nhân, tình ái; tranh giành địa bàn hoạt động bảo kê; đòi nợ thuê…

Về đối tượng phạm tội, đa số là người ngoài tỉnh, phạm tội lần đầu. Trước khi gây án thường sử dụng chất kích thích như rượu, bia và có cả ma túy. Tính bộc phát, manh động, liều lĩnh của tội phạm ngày càng cao. Tội phạm nói chung và tội phạm giết người nói riêng đang có xu hướng trẻ hóa, đối tượng là thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ cao. Đây là lứa tuổi có nhiều biến động về tâm sinh lý; có xu hướng thoát ra khỏi sự quản lý của gia đình; sinh hoạt, quan hệ dễ bị ảnh hưởng, chi phối từ xã hội, bạn bè; chạy theo những hiện tượng mới lạ, thích khám phá, thích thể hiện mình.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới là sự tác động của văn hóa, lối sống lệch lạc; sự suy thoái về đạo đức, sự vô cảm trong lối sống, lỗ hổng trong giáo dục, môi trường sống phức tạp tạo ra. Ngoài ra, những hình ảnh bạo lực, lạnh lùng, vô cảm; lối sống nặng về tranh đoạt vật chất, thích hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá hay những phương thức, thủ đoạn tàn bạo, dã man, phi nhân tính của tội phạm… được đăng tải, chia sẻ lan tràn trên sách báo, phim ảnh, internet, hàng ngày, hàng giờ tác động, “thẩm thấu” vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người, nhất là những người trẻ tuổi, kỹ năng sống hạn chế, kiến thức, kinh nghiệm sống còn non nớt, từ đó dễ dẫn đến những hành vi lệch lạc chuẩn mực xã hội.

Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện một số vụ án giết người với tính chất dã man, vượt khỏi những chuẩn mực đạo đức của con người, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội. Điển hình như vụ vợ giết chồng rồi phân xác phi tang xảy ra ngày 15-12-2017 tại phường Thuận Giao, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương. Mới đây, cuối tháng 4-2019, tại phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, tên Trần Trọng Luận (SN 1985 ngụ KP.Tân Ba, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên) đã giết 3 người trong một gia đình, trong đó có cháu bé mới lên 8 tuổi chỉ vì lý do rất đơn giản. Theo kết quả điều tra ban đầu, vì Luận thường xuyên đến quán các nạn nhân uống nước và có lần bị xua đuổi do mở điện thoại xem các nội dung không lành mạnh nên y tức giận trả thù. Tối ngày 23-4-2019, tên Luận chuẩn bị hung khí đột nhập vào nhà chém chết 3 nạn nhân. Vụ án đã gây ra sự bất bình, lo lắng trong dư luận.

Chú trọng công tác phòng ngừa

Có thể nhận thấy, những vụ án giết người thể hiện sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi, chai sạn cảm xúc của đối tượng. Nhiều đối tượng thực hiện hành vi phạm tội một cách bản năng, không suy nghĩ đến hậu quả đối với nạn nhân, xã hội và cho chính đối tượng. Những vụ giết người ghê rợn, lạnh lùng chỉ mang tính đơn lẻ, nhưng nhìn nhận trong tổng thể tình hình tội phạm thì nó là hệ quả của sự tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực, chứ không phải là “đột xuất, bất ngờ”. Hậu quả của các vụ giết người đã gây nên nhiều mất mát, đau thương cho gia đình, xã hội, gây tâm lý bất an, hoang mang, phẫn nộ trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự ở địa phương.

Trong thời gian qua, Công an tỉnh Bình Dương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kéo giảm tình hình phạm pháp hình sự nói chung và tội phạm giết người nói riêng. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa xã hội chưa phát huy được hết sức mạnh của các ngành, các cấp, của gia đình, nhà trường, các đoàn, hội ở cơ sở vào công tác phòng ngừa tội phạm. Các mâu thuẫn nhỏ chưa thật sự được chính quyền địa phương và các đoàn thể ở cơ sở quan tâm giải quyết. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng công an còn có hạn chế, nhất là trong phát hiện, tham mưu giải quyết các mâu thuẫn phát sinh ngay từ đầu, tại cơ sở.

Trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh, thu hút số lượng lớn người dân đến lao động, học tập, kinh doanh, sinh sống. Sự giao thoa giữa các phong tục tập quán, lối sống... sẽ dễ nảy sinh các mâu thuẫn nhất thời trong nội bộ nhân dân. Theo đó, tội phạm nói chung và tội phạm giết người sẽ diễn biến phức tạp hơn. Để công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội đạt hiệu quả cao, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp, như: Làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phối hợp với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nếp sống lành mạnh, tiến bộ cho nhân dân.

Công an các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các lực lượng nhất là công an cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) chủ động thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các mô hình tổ chức trị an tại cơ sở đề ra nhiều hình thức tuyên truyền cụ thể, thiết thực; lựa chọn các nội dung, biện pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tình hình từng địa bàn, khu dân cư, lứa tuổi, loại đối tượng. Tuyên truyền các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức trong gia đình, khu, ấp; nhân rộng, làm lan tỏa mạnh mẽ những tấm gương biết sống vì cộng đồng, tinh thần sẵn sàng yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Cung cấp tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, nguyên nhân, điều kiện xảy ra các vụ án, nhất là tác hại của việc sử dụng các chất kích thích, ma túy, rượu, bia... để nhân dân lên án, cảnh giác, tự mình có ý thức phòng ngừa.

Tuyên truyền ý thức tôn trọng pháp luật, tự giải quyết triệt để các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ ngay từ cơ sở. Lấy đạo đức, văn hóa ứng xử lịch thiệp và tính mạng con người làm trọng; kiên quyết không giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Công an cấp cơ sở cần chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng, UBND cấp cơ sở chỉ đạo, xây dựng và củng cố các mô hình tự quản về an ninh trật tự nhất là tổ hòa giải ở cơ sở. Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, mặt trận đoàn thể... trong đó nòng cốt là các thành viên của Mặt trận Tổ quốc để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong nội bộ nhân dân, không để từ mâu thuẫn nhỏ trở thành những mâu thuẫn lớn phát sinh tội phạm. Chủ động nắm tình hình, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với cơ quan tòa án, trung tâm hòa giải, tổ hòa giải... để phối hợp với các ban ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức ngay việc hòa giải, không để mâu thuẫn kéo dài, phát sinh thành tội phạm, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn không để tội phạm xảy ra.

Đối với các vụ mâu thuẫn, tranh chấp có vi phạm hành chính, công an cơ sở cần tập trung lập hồ sơ, xử lý, củng cố hồ sơ phục vụ cho công tác xử lý hành chính khác; tiếp tục phát huy và nhân rộng mô hình Đội thanh niên xung kích tự quản trong các doanh nghiệp để tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong công nhân, người lao động; phát hiện, xử lý kịp thời các mâu thuẫn, xích mích, tránh được hậu quả đáng tiếc; loại trừ các tệ nạn xã hội, những ảnh hưởng tiêu cực từ lối sống tự do, kiểm soát tốt, sàng lọc để ngăn chặn ngay từ đầu sự du nhập các loại sách báo, phim ảnh, đồ chơi mang tính bạo lực tuyên truyền cho lối sống buông thả có thể phá hoại những giá trị đạo đức truyền thống, làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giáo dục nhân cách sống cho nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Lực lượng công an cần tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, trong đó tập trung phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động băng, nhóm đòi nợ thuê; tăng cường biện pháp quản lý hành chính, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; thường xuyên kiểm tra, có biện pháp quản lý đối với các đối tượng trọng điểm và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhạy cảm, phức tạp về an ninh trật tự như các quán bar, vũ trường, karaoke, nhà trọ, khách sạn... nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm. Công an các địa phương cần tăng cường công tác phối hợp tuần tra giữa công an và quân sự; tổ chức tuần tra độc lập nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. Công an các đơn vị, địa phương tổ chức, thực hiện tốt công tác trực ban hình sự. Quá trình tiếp nhận các tố giác, tin báo đối với các vụ án giết người phải thực hiện đúng quy định, quy trình đã ban hành.

Đại tá, Tiến sĩ TRẦN VĂN CHÍNH (Phó Giám đốc, Thủ trưởng CQCSĐT Công an tỉnh)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên