Tiếp tục hỗ trợ để người nghèo thoát nghèo

Cập nhật: 08-11-2017 | 08:17:03

Đó là ý kiến của ông Trịnh Đức Tài, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Bình Dương qua đợt khảo sát thực tế các hộ nghèo (HN), kết quả thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 và chính sách bảo lưu đối với các hộ mới thoát nghèo tại các địa phương và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).

 Ông Trịnh Đức Tài (thứ 3 từ trái qua) Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cùng các thành viên trong Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát đời sống hộ nghèo ở phường Lái Thiêu, TX.Thuận An Ảnh: T.LÝ

 - Thưa ông, qua đợt khảo sát của Ban VH-XH HĐND tỉnh, ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo đa chiều của tỉnh trong năm 2016 và 2017?

- Đánh giá kết quả giảm nghèo đa chiều của tỉnh, ban đã thành lập đoàn khảo sát thực tế tại các địa phương và HN trong tỉnh. Qua khảo sát đoàn ghi nhận, thực hiện Nghị quyết số 47 của HĐND tỉnh ban hành về giảm nghèo đa chiều, các cấp đều thành lập Ban chỉ đạo giảm nghèo; đồng thời tuyên truyền các chính sách đến các cấp, HN, hộ cận nghèo (HCN). Các chính sách HĐND tỉnh ban hành về ưu đãi cho HN như nước sạch, vệ sinh môi trường, vay vốn… được các đơn vị, địa phương thực hiện tốt. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể thông qua các giải pháp đồng bộ như hỗ trợ chính sách tín dụng, hỗ trợ nhà ở, trợ giúp y tế, giáo dục, dạy nghề tạo việc làm, bảo trợ xã hội… Với nỗ lực đó, đến tháng 4-2017, toàn tỉnh đã có 269 hộ thoát nghèo. Toàn tỉnh hiện còn 3.620 HN và 3.024 HCN theo tiêu chí của tỉnh.

- Bên cạnh những mặt tích cực, công tác giảm nghèo ở các địa phương còn những hạn chế gì, thưa ông?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, qua giám sát, Ban VH-XH HĐND tỉnh nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong công tác giảm nghèo. Do đặc điểm về kinh tế, xã hội và đời sống của cư dân trên địa bàn tỉnh có những đặc thù, khác biệt so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước nên khi thực hiện điều tra, rà soát theo bộ công cụ đo lường nghèo (phiếu điều tra rà soát HN) của Trung ương chưa thật sự phù hợp với địa phương. Nhiều địa phương trong tỉnh gặp khó khăn, lúng túng và phát sinh một sốhạn chế, bất cập trong việc nhận diện HN.

Các chính sách hỗ trợ người nghèo của các chương trình giảm nghèo chưa thật sự sâu sát, còn mang nặng tính hình thức và chưa phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở và tiền điện cho HN có lúc, có nơi còn chưa được thực hiện kịp thời; mức hỗ trợ về nhà ở từ ngân sách Nhà nước còn hạn chế và chưa huy động thêm được nguồn đóng góp của xã hội, cộng đồng nên chất lượng nhà ở cho người nghèo còn thấp. Một số HN, HCN chưa mạnh dạn vay vốn sản xuất, kinh doanh do chưa được tiếp cận với các thông tin tư vấn sử dụng nguồn vốn hiệu quả, cách thức làm ăn, tâm lý lo sợ không có khả năng trả.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo hướng tới HN, HCN theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều chưa thật sự đi vào chiều sâu; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước vẫn chưa đạt hiệu quả; công tác phối kết hợp giữa các ban ngành, đoàn thể và địa phương trong việc thực hiện công tác giảm nghèo chưa chặt chẽ và đồng bộ; công tác kiểm tra, giám sát của các cấp trong việc triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo còn hạn chế.

- Thưa ông, qua đợt khảo sát này, Ban VH-XH HĐND tỉnh có kiến nghị gì với UBND tỉnh để thực hiện tốt Nghị quyết của HĐND tỉnh về giảm nghèo?

- Ban VH-XH HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tăng cường công tác thông tin, phổ biến và tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều nhằm giúp HN, HCN có thể tiếp cận được đầy đủ các chính sách hỗ trợ, các thông tin vay vốn để cải thiện kinh tế, nâng cao đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo.

Tiếp tục nâng cao vai trò quản lý nhà nước của Sở LĐ- TB&XH trong việc tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, các chính sách và quy định của ngành về việc thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2016-2020; tham mưu xây dựng và lượng hóa các tiêu chí trong việc rà soát, đánh giá theo bộ công cụ đo lường nghèo của Trung ương cho phù hợp với đặc điểm về kinh tế, xã hội và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, các cấp, đoàn thể, địa phương tăng cường công tác điều tra, kiểm tra, giám sát các HN theo tiêu chí quy định của pháp luật, nhu cầu thoát nghèo của người dân… nhằm bảo đảm sự công bằng, công khai, minh bạch và hạn chế thiếu sót; phối hợp triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo các chính sách hỗ trợ giúp người nghèo an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ HN; chú trọng công tác đào tạo nghề, việc làm phù hợp với đặc thù phát triển kinh tế của từng địa phương nhằm giúp người nghèo có việc làm ổn định.

Trên cơ sở Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20- 10-2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu giải pháp, chính sách cụ thể về nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người nghèo… bảo đảm tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra.

- Xin cảm ơn ông!

THIÊN LÝ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên