Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Cập nhật: 03-08-2020 | 08:04:53

 Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị tác động từ những bất ổn của dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là DN thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Long Hao, Khu công nghiệp Đất Cuốc (huyện Bắc Tân Uyên)

 Tích cực triển khai các giải pháp

Để tích cực hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quán triệt đến các sở, ban, ngành cùng các địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo lãnh đạo Sở Công thương, hiện nay bên cạnh việc tập trung thực hiện việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần chủ động, quyết liệt, sở rất chú trọng triển khai các giải pháp để xử lý khó khăn, vướng mắc nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại trong giai đoạn mới.

Trên thực tế, tình hình thời gian tới vẫn khó dự đoán bởi diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn rất phức tạp. Tại Trung Quốc, dịch bệnh Covid-19 lại tiếp tục bùng phát, có thể có nguy cơ Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ giao thương biên mậu. Tại các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng khó tránh khỏi nguy cơ dịch bệnh bùng phát lần 2… Thị trường các đối tác lớn của Việt Nam đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2020, Sở Công thương tiếp tục tập trung bám sát diễn biến, tình hình, chủ động và sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và các sự cố có thể xảy ra. Bên cạnh đó, ngành quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển đã đề ra.

Với ngành Hải quan, trong giai đoạn khó khăn về xuất khẩu hàng hóa hiện nay của DN, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trường Giang, cho biết sẽ chỉ đạo các chi cục trực thuộc bố trí cán bộ, công chức túc trực, hỗ trợ DN xuất hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, kịp thời hướng dẫn vướng mắc liên quan đến cấp C/O điện tử, giám định mã HS… tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Để hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng DN, tiến sĩ kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng thiết thực nhất là DN nào nợ thì được giãn nợ, DN không nợ thì hỗ trợ giữ người lao động... Để làm được phải có sự vào cuộc của cả hệ thống, trong đó hệ thống ngân hàng có vai trò rất lớn. Bên cạnh đó, phải làm rõ các DN ưu tiên nhận hỗ trợ để tiếp tục phát triển, tạo sự ổn định kinh tế - xã hội... Các gói hỗ trợ kéo dài trong bao lâu, lộ trình thực hiện như thế nào cần phải tính toán cân đối giữa khả năng của ngân sách và sự thích ứng của cộng đồng DN. Nếu các gói hỗ trợ quá mức cần thiết sẽ tạo ra sự ỷ lại, đặc biệt là những DN yếu kém.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tái cơ cấu DN khu vực tư nhân nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ những bất ổn, đặc biệt đối với DN thuộc các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; triển khai có hiệu quả các quy định của Luật DN (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)….; ban hành các nghị định, thông tư, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật này. Trước mắt, nghiên cứu rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định không cần thiết, không hợp lý, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai các quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, chủ động xem xét, bố trí vốn cho việc triển khai các hoạt động, chương trình, kế hoạch hoặc đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được phê duyệt trong năm 2020 và trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó tập trung phát triển chuỗi giá trị và liên kết vùng nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh, định hướng xuất khẩu; tăng cường năng lực xuất khẩu hàng hóa Việt vào các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, mở rộng tìm kiếm các thị trường khác như Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ La tinh… Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên; khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

 Tích cực hỗ trợ DN trong lĩnh vực nông nghiệp, mới đây Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP.Thuận An, Trung tâm Aeon Mail Bình Dương tổ chức phiên chợ giới thiệu nông sản Bình Dương. Tham dự phiên chợ có 6 DN, hợp tác xã cây ăn trái và 2 đơn vị trồng hoa theo phương pháp ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP…, chất lượng tốt, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, nhấn mạnh đây là cơ hội để DN, hợp tác xã, trang trại tiếp tục giới thiệu, quảng sản phẩm đến người tiêu dùng, đẩy mạnh tính cạnh tranh, tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường nội địa trong dịch bệnh Covid-19, cũng như trong xu thế hội nhập, phát triển của nông sản địa phương.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên