Tiếp tục quan tâm phát triển nhà ở xã hội

Cập nhật: 16-05-2016 | 07:08:17

Phát triển các khu công nghiệp (KCN) đồng nghĩa với việc tạo ra một động lực thu hút lao động, góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ và lao động ngoài tỉnh, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tại Bình Dương, những năm gần đây, lực lượng lao động trong các KCN gia tăng, góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc gia tăng dân số cơ học cũng gây sức ép rất lớn đối với vấn đề giải quyết nơi ăn, chốn ở cho người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, bằng các cơ chế chính sách của tỉnh, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, Bình Dương đã và đang là một điểm sáng trong việc giải quyết nhà ở cho NLĐ.

 Nhu cầu thực tiễn

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri giữa các ứng cử viên (ƯCV) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và ƯCV ĐB HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, vấn đề giải quyết nhu cầu nhà ở cho NLĐ là một trong những vấn đề “nóng” tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm, đề cập. Cử tri Lê Thị Bình, phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An nêu: “Với mức thu nhập thấp và điều kiện khó khăn hiện nay, NLĐ rất thiếu điều kiện để có thể mua đất, mua nhà, ổn định cuộc sống. Xung quanh nơi tôi sống, có rất đông công nhân lao động từ khắp các tỉnh miền Tây, miền Bắc rồi miền Trung rời quê vào đây làm việc. Tuy nhiên, với thu nhập thấp, họ thường phải thuê nhà trọ ở khu vực xung quanh KCN để cư trú với chất lượng thấp, không bảo đảm điều kiện vệ sinh và điều kiện sống. Điều này đang ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của NLĐ ngoài tỉnh và vấn đề vệ sinh môi trường sống của những khu vực xung quanh KCN. Đồng thời, môi trường sống cũng kéo theo những nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu tình cảm bị hạn chế. Đặc biệt, trong các KCN có số lao động nữ nhiều, vấn đề hôn nhân và gia đình cũng đang được đặt ra”.

Khu nhà ở xã hội Hòa Lợi đã biến ước mơ “an cư, lạc nghiệp” của nhiều công nhân lao động ngoài tỉnh tại Bình Dương trở thành hiện thực. Ảnh: T.LÊ

Cử tri Phạm Hồng Thoa, công nhân Công ty TNHH Điện tử Sin Young bày tỏ: “Mua được một căn nhà để ổn định cuộc sống là niềm mơ ước của nhiều người chúng tôi. Tuy nhiên, nhiều công nhân lao động nhìn chung vẫn chưa đủ khả năng chi trả tiền mua nhà để ở mà chỉ có nhu cầu thuê nhà gần công ty, nhà máy để thuận tiện đi làm”. Quan tâm vấn đề đời sống như nhà ở, trường học, bếp ăn... cho công nhân lao động là cách để giữ chân NLĐ hiệu quả. Cử tri Nguyễn Văn Ẩn, phường An Phú, TX.Thuận An cho biết, ông từng chứng kiến rất nhiều công nhân thường xuyên “nhảy việc”. Cứ mỗi đợt tết, nghỉ lễ xong là công nhân lại bỏ về quê, nghỉ việc... Điều này ngoài ảnh hưởng tới tiến độ công việc của doanh nghiệp, còn ảnh hưởng đến việc quản lý dân cư trên địa bàn khu dân cư.

Hiện thực hóa ước mơ

Kinh nghiệm và thực tế tại Bình Dương, thời gian qua, được sự quan tâm sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực lớn của

 các ngành, các cấp và sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, chương trình phát triển nhà ở xã hội tỉnh đã mang lại kết quả rất quan trọng. Từ đó góp phần giải quyết khó khăn về chỗ ở, sinh hoạt cho công nhân làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tính đến cuối năm 2015, Bình Dương có 34 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được hoàn tất, đưa vào sử dụng với tổng diện tích sàn nhà ở hơn 1 triệu m2, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 64.000 người. Có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng nhà ở cho NLĐ (nhà ở công nhân) với tổng diện tích sàn khoảng 270.000m2, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 47.000 người. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3 triệu m2 sàn nhà trọ để cho thuê do các hộ gia đình đầu tư xây dựng, đáp ứng cho hơn 543.000 người là đối tượng công nhân lao động, sinh viên và người thu nhập thấp ở thuê.

Vui mừng khi là một trong số nhiều công nhân mua được nhà ở xã hội Hòa Lợi, TP.Thủ Dầu Một, anh Nguyễn Hồng Quân (quê Quảng Bình) tâm sự: “Với những căn nhà ở xã hội rộng 30m2 (diện tích sàn 20m2, gác 10m2) có giá 100 - 150 triệu đồng, chúng tôi chỉ phải trả trước 20%. Số tiền còn lại trả góp 1 - 2 triệu đồng/tháng. Số tiền phải góp hàng tháng chỉ bằng tiền thuê trọ, nhưng sau 5 - 7 năm chúng tôi đã có nhà”. Là hộ kinh doanh trên địa bàn phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, hộ anh Lê Hữu Phan cũng rất vui mừng khi được lãnh đạo địa phương nơi đây tạo điều kiện để những hộ như anh kinh doanh nhà trọ. Anh Phan nói: “Ngoài việc xây dựng nhà ở từ nguồn vốn Nhà nước, việc khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để cho thuê, thuê mua, bán trả dần (trả góp), trả chậm… theo cơ chế thị trường là hợp lý để góp phần tăng nguồn cung nhà ở trên thị trường; đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách hàng, kể cả các đối tượng có thu nhập thấp. Khuyến khích xã hội hóa về nhà ở là một trong số những giải pháp hiệu quả nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở cho công nhân như hiện nay” .

Cống hiến sức lao động gắn liền với mong muốn xây dựng nên những ngôi nhà mơ ước, ổn định cuộc sống là nhu cầu chính đáng và thiết thực của mỗi người công nhân lao động, đặc biệt là NLĐ ngoài tỉnh. Việc tạo cơ chế thoáng, tăng cường các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống cho NLĐ là một trong những ưu tiên hàng đầu mà lãnh đạo địa phương đã và đang cố gắng. Cử tri cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, các ĐBQH và ĐB HĐND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến việc phát triển nhà ở xã hội để NLĐ có thể an cư, lạc nghiệp, gắn bó lâu dài và chung tay xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp. Mặt khác, việc kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội sẽ luôn tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

THANH LÊ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên