Tiểu không tự chủ

Cập nhật: 01-08-2012 | 00:00:00

Đây là chuyên đề được tham vấn cho người dân vừa diễn ra ở trường Đại học Y Dược TP.HCM. Theo đó, dân gian gọi là són tiểu, một tình trạng bệnh lý thường gặp ở nam giới trên 60 tuổi. Ở độ tuổi này, tính bình quân cứ 5 đấng mày râu sẽ có gần 1 người bị tiểu không tự chủ (gần 20%). Dĩ nhiên, tiểu không tự chủ cũng có thể gặp ở nữ giới.

Tại sao lại bị tiểu không tự chủ ở nam giới?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu không tự chủ ở nam giới, mà thường là một “tác động phụ” sau phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến hoặc sau phẫu thuật phì đại lành tính tiền liệt tuyến. Nó có thể là triệu chứng của một số bệnh như tiểu đường, đột quỵ, xơ hóa rải rác (tình trạng viêm não tủy lan tỏa do bệnh lý tự miễn, tức là cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính mình, trong đó hệ miễn dịch tấn công vào hệ thần kinh trung ương dẫn đến thoái hóa tủy).

Đôi khi, tiểu không tự chủ có nguyên nhân không rõ ràng, chẳng hạn như có vấn đề ở bàng quang. Về tình trạng gây tiểu không tự chủ ở nam giới, 4 lý do sau được đề cập nhiều nhất: Bàng quang co thắt không đúng thời điểm hoặc co thắt quá mạnh khiến nước tiểu bị thoát ra ngoài. Cơ quanh niệu đạo bị tổn thương hay bị yếu, nước tiểu có thể bị thoát ra kể cả khi không có vấn đề gì về bàng quang (không bị bàng quang co thắt không đúng thời điểm hoặc co thắt quá mạnh). Khi đi tiểu không hết, bàng quang vẫn còn nước tiểu. Điều này làm nước tiểu nhanh đầy trong bàng quang. Nếu quá đầy trong bàng quang, nước tiểu có thể tự thoát ra ngoài.

Nếu có một lý do nào đó làm nghẽn tắc đường tiểu ra khỏi bàng quang (bướu tiền liệt tuyến chẳng hạn), nước tiểu ứ đọng nhiều trong bàng quang, đến một lúc nào đó cũng sẽ tự rò ra ngoài.

Tiểu không tự chủ ở nam giới tác động như thế nào đến cuộc sống của người bệnh?

Có thể kể ra 4 khía cạnh quan trọng sau:

- Công việc: Mọi bệnh nhân bị tiểu không tự chủ sẽ luôn phải lo lắng về sự bất hạnh của họ trong lúc làm việc và do đó công việc bị ảnh hưởng xấu.

- Cuộc sống riêng: Người bệnh luôn muốn ở gần nhà vệ sinh nên thường từ chối mọi đề nghị đi dã ngoại, đi xem phim, đi chơi thể thao... Suy nghĩ này sẽ làm cho cuộc sống riêng của người bị tiểu không tự chủ ngày một nghèo nàn hơn.

- Tình dục: Tiểu không tự chủ ở nam giới làm cho người bệnh thấy bất tiện trong sinh hoạt tình dục. Với sự lo lắng sẽ ra nước tiểu trong lúc giao hợp làm người bệnh phải giới hạn hay thậm chí không muốn giao hợp.

- Giấc ngủ: Sự căng thẳng về tiểu không tự chủ sẽ làm cho một số bệnh nhân khó ngủ. Ngoài ra, do phải nhiều lần vào nhà vệ sinh trong đêm, giấc ngủ của họ không trọn vẹn.

Điều trị

Việc điều trị tiểu không tự chủ ở nam giới là rất khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tiểu không tự chủ và mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Cách điều trị có thể là tập thể dục hoặc dùng thuốc hay phối hợp cả hai, hiếm khi phải cần đến phẫu thuật. Bên cạnh điều trị, người bệnh cũng cần làm một số việc để thay đổi lối sống. Trong nhiều trường hợp, thay đổi lối sống có thể giúp để kiểm soát được tiểu không tự chủ. Những biện pháp thay đổi lối sống là: Không dùng thức uống có chất caffeine (cà phê và trà), không dùng thức uống có gaz, không uống rượu.

Khẩu phần ăn có nhiều chất xơ để tránh táo bón. Không hút thuốc lá. Kiểm soát cân nặng để có được một thể trạng lý tưởng (BMI trong khoảng 18,5 đến 25). Nhờ sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa niệu hay vật lý trị liệu để tập những bài tập cơ sàn chậu. Dễ dàng tập luyện nhất là bài tập Kegel để giúp cơ chậu khỏe mạnh, điều trị tiểu không tự chủ, đặc biệt là tiểu không tự chủ do căng thẳng.

Học cách tự kiềm chế bản thân. Tốt nhất, hãy tạo thói quen đi tiểu mỗi 2 giờ (trong điều kiện uống từ 1 đến 1,5 lít nước mỗi ngày). Có thể trong thời gian đầu, việc thực hiện vấn đề này sẽ rất khó khăn. Khi có cảm giác muốn đi tiểu, hãy cố gắng co thắt cơ bàng quang để kiềm chế lại (nín tiểu). Chỉ sau một lát, cảm giác này sẽ mất dần và thời gian phải đi tiểu sẽ kéo dài ra. Để việc tập luyện sớm mang lại hiệu quả, cần đến gặp bác sĩ hay các chuyên gia về liệu pháp vận động. Họ sẽ tư vấn cho cách tập vận động cơ đáy chậu; cách cảm nhận và buộc các cơ làm việc theo ý muốn.

NGUYỄN NGỌC TÂM (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=246
Quay lên trên