Tìm giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích và danh thắng

Cập nhật: 14-12-2020 | 08:08:42

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh là vấn đề luôn được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) quan tâm triển khai thực hiện. Mới đây, sở đã tổ chức hội thảo khoa học về nội dung này để các nhà quản lý, nhà khoa học và nhà nghiên cứu bàn luận, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giúp ngành tìm ra những cách làm hay có thể áp dụng vào thực tế tỉnh nhà nhằm đẩy mạnh hơn công tác này trong thời gian tới…       

 Các tác giả cùng bạn luận về việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh tại hội thảo

 Nhiều đề tài nghiên cứu

Giống như chủ đề hội thảo là “Bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, các bài tham luận chủ yếu tập trung đi vào khai thác 2 nhóm nội dung chủ yếu liên quan đến di tích trên địa bàn tỉnh là giá trị và tiềm năng, bảo tồn và phát huy.

Ở nhóm chủ đề “Di tích Bình Dương - giá trị và tiềm năng”, các tác giả đã tập trung đề cập đến hệ thống di tích Bình Dương với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc...; xem đây là một loại tài nguyên, tài sản quý giá của cộng đồng và khả năng phát huy những giá trị này trong phát triển du lịch. Qua đề tài “Những pho tượng cổ ở chùa Đức Sơn”, TS Hồ Văn Tường đến từ trường Đại học Bình Dương, cho biết chùa Đức Sơn hiện đang bảo tồn nhiều tượng thờ cổ xưa bằng các chất liệu như gỗ, đất nung, đá... từng được đem đi triển lãm tại Pháp vào năm 2020. Theo ông, đây là những tài sản văn hóa hết sức độc đáo, cần lập hồ sơ đề nghị công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật để sớm có biện pháp bảo vệ và phát huy.

Một số tác giả khác cũng đã lựa chọn những đối tượng nghiên cứu tiêu biểu, đặc sắc, có giá trị, góp phần làm rõ thêm những giá trị của hệ thống di tích tỉnh Bình Dương như: Đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di tích đình Tân An” của TS Nguyễn Thị Nguyệt đến từ trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh; đề tài “Đề xuất các đình thần tiêu biểu của Bình Dương vào tuyến du lịch” của ThS Phạm Đăng Nhật Thái đến từ trường Đại học Khoa học - Đại học Huế...

Ở nhóm đề tài “Di tích Bình Dương - bảo tồn và phát huy” được các tác giả tham gia nhiều hơn, với 34 tham luận. Với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, mỗi tác giả có cách tiếp cận và chuyển tải nội dung khác nhau. Qua nghiên cứu, các tác giả đã có những nhận định, đánh giá về thành tựu và hạn chế của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích ở Bình Dương trong những năm qua. Từ đó, các tác giả cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới, tiêu biểu như: Đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích xã hội hóa đối với công tác bảo tồn và phát huy di tích, gắn với lợi ích cộng đồng; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa, ứng dụng công nghệ, đầu tư các sản phẩm lưu niệm, tổ chức các loại hình dịch vụ... nhằm tạo ra cơ sở, nền tảng quan trọng cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích…

Gợi mở thêm giải pháp

Những ý kiến đóng góp, thảo luận của các tác giả tại hội thảo, những luận cứ khoa học thực tiễn do các nhà khoa học, nghiên cứu cung cấp đã giúp Ban tổ chức rút ra những bài học thực tiễn sinh động, đánh giá cần thiết trong quá trình bảo vệ và phát huy giá trị của hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa và giáo dục, là tài nguyên quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là phát triển ngành du lịch. Việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích những năm qua đã đạt được một số thành tựu nhất định, song vẫn còn một số hạn chế. Kết quả việc bảo tồn và phát huy di tích chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Một số di tích, đặc biệt là những di tích chưa được xếp hạng đang có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng do thiếu nguồn kinh phí để bảo tồn trùng tu, nguồn nhân lực và chuyên môn còn hạn chế về số lượng và chất lượng.

Do đó, ông Thái cho rằng nhu cầu đặt ra về thay đổi cơ chế chính sách quản lý, đầu tư cho công tác bảo vệ, phát huy di tích là rất cấp thiết; cần phải phát huy tối đa nguồn lực tài chính công và nguồn lực xã hội hóa, gắn kết hệ thống di tích vào hệ thống du lịch sinh thái... Một trong những vấn đề quan trọng cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là xây dựng đội ngũ thuyết minh, tuyên truyền tại các điểm tham quan có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thực tế của khách tham quan.

Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích nói riêng và sự nghiệp bảo vệ văn hóa của dân tộc nói chung là trách nhiệm của toàn xã hội. Hội thảo này sẽ góp phần giúp ngành VH-TT&DL, mà cụ thể là Bảo tàng tỉnh tìm ra giải pháp phù hợp nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 “Tôi tin rằng, với sự lãnh đạo của Đảng và các cấp chính quyền, trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành và sự chung tay của mỗi người dân, chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nghiên cứu tại hội thảo có ý nghĩa rất lớn đối với ngành VH-TT&DL trong quá trình tìm ra một mô hình, một giải pháp hiệu quả nhất nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh...”.

(Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL)

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên