Tìm nguồn vốn cho khởi nghiệp

Cập nhật: 07-11-2017 | 08:02:52

Hiện vẫn còn không ít nhà quản lý, doanh nghiệp khởi nghiệp đang lo lắng về nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, các quỹ đầu tư, các tổ chức đang có nguồn vốn khá lớn với lãi suất gần như bằng không nhằm tiếp sức, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Không lo thiếu vốn

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương mới đây, tiến sĩ Abedalrazq Kalil, trưởng nhóm phụ trách nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Bình Dương là tỉnh sử dụng rất tốt, hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). WB muốn tiếp tục hỗ trợ thêm nhiều dự án nữa để Bình Dương tiếp tục đầu tư các dự án về an sinh xã hội, hạ tầng cơ sở, bảo vệ môi trường… Tại buổi tiếp, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của WB nói riêng và các tổ chức tài chính quốc tế nói chung đã dành nguồn vốn ODA hỗ trợ, giúp đỡ Bình Dương đầu tư nhiều dự án quan trọng như hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp thoát - nước, điện, xử lý môi trường… Nhờ đó mà môi trường đầu tư nói riêng và môi trường sống ở Bình Dương nói chung được bảo đảm; phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng môi trường.

Thiết bị phục vụ vệ sinh môi trường được trưng bày tại Hội thảo chất lượng môi trường do Bình Dương đăng cai tổ chức. Ảnh: DUY CHÍ

Là người phụ trách nguồn vốn của tổ chức tài chính quy mô toàn cầu, ngài Abedalrazq Kalil cho biết, vay ODA phải thông qua bảo lãnh Chính phủ, trong khi nhu cầu của địa phương là rất lớn, rất đa dạng. Nguồn vốn của WB rất lớn, rất dồi dào và sẵn sàng hỗ trợ các dự án đầu tư hạ tầng của địa phương theo hình thức thương mại hoặc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình khởi nghiệp bằng những dự án mang tính khả thi cao, được UBND tỉnh bảo lãnh nhằm bảo đảm nguồn vốn.

Có thể nói, đây là cơ hội tuyệt vời không phải địa phương nào cũng có được, dù điều kiện vay là phải được UBND tỉnh bảo lãnh. Ông Liêm đã đánh giá cao sự hỗ trợ và đồng hành cùng Bình Dương của WB từ nhiều năm qua. Với điều kiện và cơ hội mới, Bình Dương sẽ thúc đẩy chương trình nguồn vốn vay này nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế bằng những dự án mang lại hiệu quả cao.

Không nên chạy theo phong trào

Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển kinh tế tập thể của tỉnh vừa kết thúc chương trình làm việc tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh với nhiều thông tin, kết quả tốt. Cụ thể, ban quản trị và các thành viên hợp tác xã, tổ liên kết sản xuất… trên địa bàn tỉnh bắt đầu định hình và chuyển sang hình thức chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa thông qua các khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ hợp tác xã cũng như được trang bị kiến thức phổ thông về kinh tế thị trường để vận dụng quản lý, điều hành có hiệu quả. Xã viên hợp tác xã, thành viên tổ hợp tác phải là những người có tay nghề, có lòng đam mê và gắn bó với nghề. Nếu chưa có nghề mà có mong muốn, quyết tâm làm nghề thì phải được đào tạo nghề thông qua các tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…

Ông Trần Văn Thấy, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể tỉnh nói, Luật Hợp tác xã kiểu mới quy định hợp tác xã như một doanh nghiệp và không có ưu đãi gì hơn. Nhưng chúng ta phải biết thế mạnh và lối đi của hợp tác xã là phải chọn công việc, sản phẩm phù hợp mà các doanh nghiệp có thể liên kết, hợp tác. Như vậy, hợp tác xã mới không bị cạnh tranh và có hướng phát triển hiệu quả. Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang sở hữu nguồn quỹ khá lớn, sẵn sàng hỗ trợ các dự án, các xã viên có yêu cầu với lãi suất ưu đãi, thời gian hỗ trợ dài.

Ngoài ra, các ngành, các tổ chức khác như Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cũng có chương trình đào tạo, dạy nghề, đồng thời hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, của ngành. Đây là cách làm mới của Bình Dương trong việc đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác và hỗ trợ khởi nghiệp.

Ông TRẦN THANH LIÊM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Khởi nghiệp không sợ thiếu vốn

Các chương trình khởi nghiệp, các dự án, chương trình kinh tế hợp tác nếu xã viên, người dân có nghề nghiệp, quyết tâm thực hiện bằng các dự án khả thi sẽ không sợ thiếu vốn. Mô hình hợp tác xã là rất phù hợp với người có tay nghề mà ít vốn. Ví dụ, ở Nhật Bản vẫn có những hợp tác xã, những làng nghề người dân đã nhận các chi tiết sản phẩm của các doanh nghiệp về để chế tác, chế biến và phát triển rất hiệu quả, bền vững.

Ông NGUYỄN VĂN THIỀN, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương:  Khởi nghiệp không phải là lập nghiệp

Khởi nghiệp từ ngành cấp thoát nước, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đã nỗ lực vươn lên phát huy thế mạnh nội sinh để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong hệ sinh thái kinh tế là thu gom xử lý nước thải, rác thải, sản xuất phân bón hữu cơ từ rác phục vụ cho nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu tái sinh từ chất thải rắn… Để làm được điều này, chúng tôi phải biết nghề, chịu khó học nghề, tiếp thu và chọn lọc khoa học - công nghệ, chọn lọc ngành nghề phù hợp để khởi nghiệp trong hệ sinh thái kinh tế mà doanh nghiệp hoạt động. Cũng cần phải tránh chạy theo phong trào, bởi vì khởi nghiệp khác xa lập nghiệp.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên