Tin bạn, coi chừng mất tài sản!

Cập nhật: 15-02-2019 | 09:51:10

Thời gian qua, Báo Bình Dương nhận được nhiều đơn thư của người dân phản ánh tình trạng che giấu hình thức “vay vốn” bằng loại Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ). Khi làm hợp đồng này, nhiều chủ nợ cho rằng đây là cách nhanh nhất để đôi bên không phải đôi co, mất nhiều thời gian cho việc… đòi nợ! Người vay thì tin rằng đó chỉ là hợp đồng giả, làm tin cho việc vay mượn. Đến khi mọi chuyện vỡ lỡ thì tài sản đã được sang tên cho người khác!


Đơn của người dân gửi đến Báo Bình Dương trình bày sự việc mất tài sản vì hợp đồng giả cách

Ông Đinh Công P. đến Báo Bình Dương kêu gọi sự giúp đỡ với xấp giấy tờ trong tay, sự việc của ông đã trải qua nhiều phiên xử từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm… nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho ông, mọi chuyện cứ lập lờ khiến ông phải mất rất nhiều thời gian và công sức!

Theo hồ sơ vụ việc, vào đầu năm 2007, ông P. có nhờ người bạn thân là ông Nguyễn Thanh B. đi vay vốn ngân hàng giúp. Lúc đó, vợ và các con ông P. đã ký hợp đồng ủy quyền cho ông B. đi vay. Đến năm 2008, ông B. gọi hẹn ông P. đến phòng công chứng ký tên vào “Hợp đồng vay vốn”. Ông P. vì tin tưởng bạn nên không đọc nội dung, chỉ biết ký tên mà không biết đó là loại hợp đồng gì. Khoảng vài tháng sau, ông N.V.S. cho người đến lấy nhà và đất của ông P. Lúc này ông P. ngỡ ngàng vì mình chưa bao giờ bán đất cho ai. Ông khiếu nại sự việc và xin trích lục lại hợp đồng thì được biết đó chính là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ chứ không phải hợp đồng vay vốn!

Ông lập tức khởi kiện vụ án yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vô hiệu và yêu cầu hủy việc cập nhật sang tên cho ông S. Theo lời ông S., thì ông biết gia đình ông P. đang cần một số tiền lớn, B. là người giúp ông P. vay tiền. Để bảo đảm số tiền vay, ông S. yêu cầu ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của ông P. với số tiền gần 2 tỷ đồng. Ông P. đã ra phòng công chứng thực hiện nghĩa vụ của mình là lăn tay, ký tên nên ông S. hoàn toàn đầy đủ lý do để chuyển nhượng phần tài sản trên cho mình. Tiền bạc ông đã giao đầy đủ tại phòng công chứng cho ông B. Giữa ông P. và ông B. giải quyết chuyện tiền bạc ra sao ông S. không cần biết. Ông chỉ biết ông có quyền thực hiện việc sang nhượng theo đúng pháp luật!

Vào năm 2011, ông S. đã hoàn thành việc sang tên mảnh đất kia cho mình. Ông S. không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông P. và đã tiến hành rào phần đất mà ông đã mua. Phía ông P. đã cất công đi kiện ròng rã suốt nhiều năm liền nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng. Qua nhiều cấp xử công nhận phần đất trên thuộc về ông S., chỉ còn vướng về hai căn nhà cấp 4 trên phần đất ông P. vẫn chưa được tòa tuyên một cách hợp tình hợp lý!

Đến giờ ông P. vẫn không hiểu vì sao mình quá tin bạn, đặt bút ký một cách dễ dãi, chủ quan đến… mất đất!

Tương tự như trên, bà P.T.P. có vay ngân hàng A. số tiền 300 triệu đồng, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên bà. Đến thời gian đáo hạn ngân hàng, do không có tiền nên bà P. có mượn tiền của một người bạn tên B. để giải ngân. Tuy nhiên, bà B. yêu cầu muốn vay được tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với hai thửa đất để làm tin, để bảo đảm khoản nợ vay. Cả hai làm văn bản thỏa thuận khi nào trả hết tiền sẽ ra phòng công chứng hủy hợp đồng chuyển nhượng đã ký và không được tự ý sang tên giấy chứng nhận QSDĐ.

Thỏa thuận xong, cả hai đến phòng công chứng ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng. Sau khi vay tiền, bà P. luôn hoàn thành đúng việc trả lãi cho bà B. Thế nhưng bà B. lại cầm bản hợp đồng kia đi sang tên phần đất có diện tích gần 500m2. Dù phần đất này bà P. vẫn đang sử dụng nhưng trên giấy tờ thì thuộc quyền sở hữu của bà B. Đến khi phát hiện vụ việc, bà P. có thiện chí muốn đôi bên ngồi lại giải quyết vụ việc rõ ràng nhưng bà B. không đồng ý.

Sự việc không thể giải quyết nên bà P. đã làm đơn khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đã ký vô hiệu và hủy giấy chứng nhận QSDĐ có tên của bà B. Tòa án chỉ mới có thông báo thụ lý vụ án, chưa có phán quyết cuối cùng nên chưa biết phần thắng, phần thiệt thuộc về ai! Thế nhưng, rõ ràng “bút sa gà chết”, một chữ ký tại phòng công chứng, trước mặt công chứng viên thì nó đương nhiên có giá trị về mặt pháp lý và mọi giao dịch, mọi thỏa thuận đều được công nhận theo đúng pháp luật! Dù đôi bên tự hiểu ngầm với nhau là hợp đồng giả nhưng trước cơ quan đại diện cho pháp luật thì mọi thứ đều là thật!

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, khi thực hiện bất cứ một hợp đồng giao dịch, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan nên đọc kỹ các điều khoản, nếu chưa hiểu rõ thì có thể thuê luật sư, người có hiểu biết về pháp luật giải thích, tư vấn thêm, không nên “ký bừa” để rồi sau này nhận lấy hậu quả thua thiệt!

Ông P. vì tin tưởng bạn nên không đọc nội dung, chỉ biết ký tên mà không biết đó là loại hợp đồng gì. Khoảng vài tháng sau, ông N.V.S. cho người đến lấy nhà và đất của ông P. Lúc này ông P. ngỡ ngàng vì mình chưa bao giờ bán đất cho ai. Ông khiếu nại sự việc và xin trích lục lại hợp đồng thì được biết đó chính là hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ chứ không phải hợp đồng vay vốn!

 

THỦY TRINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên