“Tín dụng đen”, từ thực đến ảo...

Cập nhật: 02-10-2019 | 07:23:36

 Trong quá trình thu thập tư liệu để viết bài về “tín dụng đen” ở vùng nông thôn, P.V rất khó tiếp cận những nạn nhân của hình thức vay này. Đa số họ đều tìm cách né tránh, không muốn “kể” lại trường hợp của mình. Đây cũng là một thực tế khiến nhiều đối tượng cho vay có “đất” để làm ăn.

Một số lãnh đạo xã cho rằng ngoài số ít người vì tình huống khẩn cấp phải vay tiền để giải quyết chuyện gia đình thì vẫn có người vay “tín dụng đen” để làm những việc không chính đáng. Ban đầu họ nghĩ vay cho được tiền, sau đó sẽ cố “xoay” để trả. Tuy nhiên hàng ngày lãi mẹ đẻ lãi con khiến người vay kham không nổi. Một cán bộ điều tra Công an huyện Dầu Tiếng cho rằng nhiều người đến cơ quan công an trình báo về việc vay tiền “tín dụng đen” khi họ không còn khả năng chi trả và thường xuyên bị hăm dọa.

Có lẽ chỉ khi rơi vào tình thế bí bách nhiều người mới chịu đến cơ quan công an trình báo việc đã trót vay nặng lãi, đây là một “lợi thế” khiến các đối tượng cho vay không sợ bị phát hiện. Từ thực tế đó thì hiện nay ngoài các băng nhóm, đối tượng bị bắt trong thời gian qua có lẽ còn nhiều đối tượng khác đang len lỏi về các vùng quê để hoạt động mà chưa bị phát hiện.

Có một thực tế mà nhiều người phải thốt lên là sao khi làm hồ sơ vay tiền, người cho vay nói năng ngọt ngào, nhưng khi đòi tiền, chúng lại lộ nguyên hình là những kẻ bặm trợn, luôn dùng vũ lực để đe dọa người khác? Theo cơ quan chức năng, đó chính là cách để những đối tượng cho vay “tín dụng đen” giăng bẫy người vay. Vì vậy mọi người nên cảnh giác khi một ngày nào đó bất ngờ nhận được cuộc gọi từ số máy lạ với nội dung kiểu như “Em muốn giúp anh vay tiền...!”.

Bên cạnh hình thức vay ngoài đời thực theo kiểu gặp mặt, làm hợp đồng, trao tiền, hiện nay hình thức vay online cũng đang phổ biến. Nhiều người cũng “khổ sở” vì kiểu vay này vì bỗng một ngày cả gia đình mình bị đưa lên mạng xã hội bêu riếu, nhục mạ.

Giữa tháng 9, anh D., một nạn nhân của “tín dụng đen” trên mạng đến Báo Bình Dương trình bày về việc bỗng dưng cả vợ và con anh bị bêu riếu trên mạng xã hội. Cầm một xấp ảnh chụp lại màn hình máy vi tính, anh D. bức xúc cho biết những nhân vật trong ảnh là vợ và con anh. Anh D. cho biết anh có tham gia vay tiền qua mạng và chưa trả kịp thì xảy ra sự cố trên. Ngoài việc điện thoại đòi tiền, các đối tượng cho vay còn dùng thủ đoạn hèn hạ là đưa hình ảnh con gái anh D. lên mạng xã hội kèm theo dòng chữ “Cáo phó”. Ngay khi phát hiện sự việc, anh D. đã đến công an địa phương trình báo sự việc.

“Tín dụng đen” nay không chỉ khi người vay và người cho vay gặp trực tiếp để nhận tiền, nay nó đã xuất hiện với hình thức tinh vi hơn. Để không là nạn nhân của loại hình này, người dân cần tỉnh táo trước những lời mời có cánh cho vay tiền...

L.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên