Tín dụng ngân hàng: Về đích đúng kế hoạch

Cập nhật: 30-12-2014 | 08:46:03

Năm 2014, tín dụng của các tổ chức tín dụng ở Bình Dương tăng trưởng 13,3%, đạt chỉ tiêu định hướng 12 - 14% đề ra từ đầu năm; mục tiêu hướng về doanh nghiệp (DN), cơ cấu tín dụng đã chuyển dịch đúng định hướng; nợ xấu giảm. Việc triển khai những chương trình tín dụng có ý nghĩa tích cực, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường.

Năm 2014, tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt chỉ tiêu

DN tăng niềm tin

Những tháng đầu năm 2014, khi Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ thị trường, ngân hàng (NH) trong tình trạng thừa vốn, còn DN thì khó tiếp cận nguồn vay. Tuy vậy, đến nay hệ thống NH có sự tăng trưởng tín dụng khá ấn tượng, nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn.

Bà Nguyễn Thị Thắm, chủ DNTN Thương mại sản xuất-xây dựng Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) cho biết, DN vay vốn để nhập nguyên vật liệu cho dịp cuối năm, hiện lãi suất 10%/năm, đã giảm nhiều so với trước đây. Thủ tục vay thuận lợi, khi DN trình bày nhu cầu vay, phương án kinh doanh rõ ràng, minh bạch, sau vài ngày đã được Phòng giao dịch Phú Giáo của NH Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển giải quyết ngay. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN trẻ Bình Dương cho biết, nhiều DN có phương án kinh doanh khả thi tiếp cận được vốn để sản xuất, kinh doanh. Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời về tài chính, chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với những khoản vay cũ thì DN khó duy trì và phát triển.

Khơi thông dòng tín dụng

Theo đánh giá của NHNN chi nhánh Bình Dương, diễn biến hoạt động NH thời gian qua có nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ nợ quá hạn của hệ thống NH trên địa bàn tỉnh nằm trong giới hạn kiểm soát. Hệ thống NH trên địa bàn đã tích cực chủ động thực hiện các giải pháp kiềm chế nợ xấu, gia tăng và tích cực xử lý nợ xấu như đôn đốc thu hồi nợ, trích lập dự phòng rủi ro; bán nợ; xử lý tài sản bảo đảm; nâng cao chất lượng tín dụng, từ đó hạn chế nợ xấu phát sinh…

 

Sau nhiều lần thực hiện giảm lãi vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của ngành, tại Bình Dương hiện lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ) phổ biến ở mức 8 - 11%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác là từ 9 -12%/năm, giảm khoảng 1 - 2%/năm so với lãi suất trước đó. Để chia sẻ khó khăn cùng DN, các tổ chức tín dụng cũng đã chủ động điều chỉnh những khoản cho vay cũ, đồng thời triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng đối với DN nhỏ và vừa. Hiện cho vay lĩnh vực này chiếm 22%/tổng dư nợ, tăng 28,56% so với năm 2013; tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và các chương trình kinh tế chiếm 18,76%, tăng gần 20% so với năm 2013. Về chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở, Bình Dương là một trong số các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình này với tổng số tiền đã cho vay đạt 88.608 tỷ đồng…

Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc NH Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bình Dương cho biết, thời gian qua NH đã liên tục cập nhật tình hình thị trường, nhu cầu thực tế của DN, nắm bắt định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như chủ trương của Chính phủ để chủ động có phương án, chương trình đưa ra các sản phẩm tín dụng vào từng phân khúc khách hàng cụ thể. Thực tế cho thấy, nhu cầu vốn có dấu hiệu tăng lên, phản ánh đúng tính thời vụ của thị trường, nhưng đây cũng là kết quả có được từ tác động của chính sách trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng kinh tế thời gian qua.

Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Bình Dương nhận xét, tín dụng tăng tốc vào thời điểm cuối năm có lẽ không còn là câu chuyện bất ngờ đối với nhiều người. Nhìn lại thời điểm những tháng nửa đầu năm 2014, tín dụng chỉ ở mức trên 65.000 tỷ đồng, tháng 6 đạt trên 70.000 tỷ đồng (đây là mức thấp so với kế hoạch đề ra). Tín dụng tăng trưởng khiêm tốn trong những tháng đầu năm sau đó đã dần được cải thiện và bắt đầu tăng mạnh trong thời gian tháng 9; đến hết tháng 12 tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đã đạt 13,3%, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu mà NHNN đề ra.

Giải pháp của Chính phủ phát huy hiệu quả

Nguyên nhân của tăng trưởng có thể kể đến như các gói khuyến khích tín dụng của Chính phủ, NHNN bắt đầu phát huy tác dụng; tình hình kinh tế vĩ mô bắt đầu từ quý III được cải thiện dần; tăng trưởng tín dụng đến từ tín dụng ngoại tệ do nền kinh tế thế giới có nhiều cải thiện theo hướng thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo định hướng đề ra. Đây là những ngành, lĩnh vực kinh tế có hiệu ứng lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế đất nước.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông dòng vốn theo chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương và sự linh hoạt của các cấp, ngành, bức tranh tín dụng Bình Dương đã đạt kết quả tích cực. Khép lại năm 2014, nếu như bức tranh tín dụng của cả nước đạt 11,8% thì các tổ chức tín dụng ở Bình Dương đạt tổng dư nợ trên 75.400 tỷ đồng, đạt 13,3% so với kế hoạch cả năm. Đây là mức tăng cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước và phù hợp với tình hình chung toàn ngành.

THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên